Vai trò sinh lý của các nguyên tố khoáng chất với cây trồng

VAI TRÒ SINH LÝ CỦA CÁC NGUYÊN TỐ DINH DƯỠNG KHOÁNG Ở THỰC VẬT

(Đạm, Lân, Kali, Canxi, Lưu huỳnh, Magiê, B, Mo, Fe, Mn, Zn…)

nhucaudinhduongcaytrong

1. Các nguyên tố cần cho sự phát triển của thực vật

Các nguyên tố khoáng cần cho sự phát triển của thực vật: xây dựng tế bào mô, N, P, K, Na, Ca…tham gia vào quá trình sinh lý sinh hóa trong tế bào, trao đổi chất và năng lượng. Các nguyên tố vi lượng tham gia vào trong thành phần của enzym…
Mỗi nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu tham gia vào cấu trúc và hoạt động của tế bào và cơ thể đều có những ý nghĩa của nó.
a) Vai trò cấu trúc: Nhiều nguyên tố dinh dưỡng khoáng và nitơ là thành phần bắt buộc của nhiều hợp chất hữu cơ trực tiếp tham gia xây dựng chất sống của tế bào.
b) Vai trò điều tiết: Các nguyên tố hóa học trong tế bào và cơ thể, ngoài việc tham gia cấu tạo nên các chất sống như các axit nucleic, protein, ATP, photpholipit tạo màng của các bào quan…còn tồn tại một phần ở dạng tự do. Chúng tồn tại trong tế bào chất, trong không bào. Các loại ion và phân tử tự do này tham gia điều tiết các hoạt động sống của tế bào và cơ thể theo hai cơ chế chính: Điều tiết hoạt tính enzym và điều tiết trạng thái hóa keo (trạng thái ngậm nước) của tế bào chất.
Các nguyên tố khoáng điều tiết hoạt tính enzym theo cơ chế hoạt hóa hoặc ức chế chúng. Ví dụ ion K+ thường hoạt hóa enzym kinase trong quá trình đường phân, Cu hoạt hóa enzym ascorbin oxydase; Mo, Fe hoạt hóa enzym nitrogenase trong quá trình cố định nitơ ở vi khuẩn nốt sần cây họ đậu…

Các nguyên tố tham gia điều tiết trạng thái keo tế bào chất rõ rệt. Ví dụ K+ làm tăng độ ngậm nước của keo tế bào chất, Ca2+ có tác dụng ngược lại (hiện tượng đối kháng ion).

Trên cơ sở điều tiết qua các hệ enzym và qua hệ keo tế bào chất, các nguyên tố khoáng có tác dụng lên quá trình trao đổi chất và các hoạt động sinh lý của cơ thể thực vật như quang hợp, hô hấp, sinh trưởng, phát triển…

2. Vai trò sinh lý của nguyên tố khoáng

2.1. Các nguyên tố đại lượng

2.1.1 Nito (N):

Nitơ là thành phần bắt buộc của các axit amin, protein, axit nucleic, các photpholipit, các hợp chất cao năng (ATP, ADP…), các coenzym (NAD, FAD…), một số vitamin, diệp lục, một số hormon và nhiều hợp chất hữu cơ khác. Đó là cơ sở phân tử của mọi cấu trúc và mọi chức năng của tế bào và cơ thể thực vật đảm bảo năng suất, chất lượng duy trì và phát triển sự sống.
– N cùng với các nguyên tố khác tạo thành loại phân tử bộ máy chức năng đặc biệt đó là axit nucleic – cơ sở vật chất di truyền của sự sống nói chung và thực vật nói riêng.
– N cùng với một số nguyên tố khác (C, H, O, (S)) tạo thành loại phân tử đa chức năng, đó là các protein. Protein tham gia tạo hình thai và tính năng của mọi bộ máy. Ví dụ, thể sốn virus nhân tế bào, các bao quan, các tế bào, các mô, các cơ quan…
– N trong protein làm cơ sở phân tử cấu trúc các loại màng: màng sinh chất, màng nhân, màng các bào quan…Nhờ đó có sự ngăn cách giữa thế giới sống và thế giới không sống, sự ngăn cách các bộ máy chức năng tế bào. Nitơ trong protein còn giữ vai trò xúc tác các phản ứng hóa sinh trong tế bào. Đó là các enzym có bản chất protein và các coenzym.
– N trong nucleotit đóng vai trò dự trữ và vận chuyển năng lượng cung cấp cho hoạt động của tế bào.
– N đồng thời là thành phần của nhiều hợp chất hữu cơ khác như vitamin, hormon, kháng sinh…giữ vai trò điều tiết các hoạt động sống của tế bào và cơ thể. N trong diệp lục tham gia vào quá trình quang hợp.

* Thừa nitơ:
– Cây sinh trưởng quá mạnh, thân lá tăng trưởng nhanh, mô cơ giới kém, cây rất yếu gây lốp đổ, giảm năng suất.
* Thiếu nitơ:
– Giảm quá trình tổng hợp protein sinh trưởng các cơ quan giảm.
– Diệp lục không hình thành lá vàng, đẻ nhánh kém, giảm hoạt động quang hợp, giảm năng suất.

2.1.2 Photpho (P):

Hàm lượng P trong cây chiếm khoảng 0,2% khối lượng khô, có nhiều ở hạt. Hàm lượng trong đất từ 0,02 – 0,2%. Cây sử dụng chủ yếu dạng H3PO4 với các muối của nó như: KH2PO4, NaH2PO4, Mg(H2PO4)2, Ca(H2PO4)2…
– Vai trò cấu trúc:
+ Là thành phần quan trọng của đại phân tử axit nucleic – cơ sở phân tử của vật chất di truyền.
+ Là thành phần của các nucleotit, đặc biệt là các phân tử cao năng ATP, ADP…
+ Là thành phần của các phân tử photphorit như xitin-cơ sở phân tử của cấu trúc các loại màng trong tế bào.
+ Là thành phần của các coenzym như NAD, FAD…
+ Là thành phần của các loại đường hoạt hóa như 1,6-di(P) glucose, 1,5-di(P) ribulose…có vai trò quan trọng trong quá trình quang hợp, hô hấp ở thực vật.
– Vai trò điều tiết: Dạng muối vô cơ của axit photphoric trong tế bào tham gia điều tiết độ pH của xytosol ổn định ở trị số 6-7-8, điều tiết độ nhớt keo trao đổi chất, kích thích quá trình tổng hợp protein, tổng hợp gluxit… làm tăng phẩm chất hạt và phôi, nâng cao khả năng chống chịu của cây. Kích thích hoạt động của vi khuẩn nốt sần cây họ đậu trong quá trình cố định nitơ.
Trong môi trường đất chua, P thường ở dạng khó tiêu như FePO4, AlPO4. Trong môi trường kiềm, trung tính, P ở dạng dễ tiêu như Mg(H2PO4)2, Ca(H2PO4)2…
Cây rất mẫn cảm với P ở giai đoạn sinh trưởng, phát triển đầu tiên, đó là thời kì nảy mầm va cây non.
– Biểu hiện khi thiếu P:
Khi thiếu P, ban đầu lá có màu xanh đậm có lẽ do tăng cường hút Mg, sau dần dần chuyển sang màu vàng. Hiện tượng trên bắt đầu từ mép lá và từ lá phía dưới trước. Với lúa, khi thiếu P thì lá nhỏ, hẹp, có màu lục đậm, đẻ nhánh ít, trổ bông chậm, chín kéo dài có nhiều hạt xanh và lững.
Khi thiếu hụt P sẽ ảnh hưởng đến sự thụ phấn, thụ tinh của cây, tỉ lệ đậu quả và chắc hạt giảm, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

2.1.3 Kali (K)

Kali là một trong những nguyên tố cần thiết nhất trong dinh dưỡng khoáng thực vật. Hàm lượng trung bình của kali là khoảng 0,2- 1,2 % khối lượng chất khô. Ở các mô phân sinh lượng kali thường chiếm khoảng 50% của tổng lượng tro đặc biệt là ở các mô, cơ quan có hoạt động sinh lý mạnh. Phần lớn kali (khoảng 4/5 của tổng lượng kali trong cây) ở dạng hòa tan trong dịch bào, dễ dàng bị rửa trôi bằng nước mưa hoặc thải từ rễ cây ra môi trường đất vào ban đêm và vận chuyển nhanh chóng từ lá già tới lá non. Một lượng đáng kể kali được hút bám trên các mixen cho chất nguyên sinh và một lượng nhỏ kali (dưới 1%) được liên kết chặt trong các bào quan như ti thể. Nguồn dinh dưỡng tốt nhất đối với cây là các muối kali tan (0, 5-2%) của tổng lượng dự trữ kali trong đất. Trong cây, kali chủ yếu tồn tại ở dạng ion hay liên kết yếu, rất linh hoạt nên dễ di chuyển từ các lá già và các cơ quan non, đồng thời dễ bị rửa trôi.
– Vai trò sinh lý của kali:
+ Kali có rất nhiều mặt và khác biệt nhiều với các kim loại kiềm hóa trị I khác (Na, Li, Rh…). Mặc dù, kali không phải là thành phần cấu trúc bắt buộc của các enzym nhưng lại có tác dụng hoạt hóa nhiều hệ enzym thực hiện trong quá trình trao đổi gluxit (amilaza, inveitaza), quá trình tổng hợp axit béo (phôtpho transaxêtilaza, axêtinloA….)
+ Kali làm tăng độ ưa nước và khả năng ngậm nước của keo CNS do đó ảnh hưởng thuận lợi với quá trình trao đổi nước, và bảo đảm trạng thái trẻ lâu về sinh lý của mô (cường độ quá trình tổng hợp chiếm ưu thế so với các quá trình phân hủy)
+ Kali có ảnh hưởng sâu sắc và nhiều mặt đối với 2 quá trình sinh lý trọng tâm của cây là quang hợp và hô hấp (thúc đẩy quá trình sinh tổng hợp diệp lục, nâng cao cường độ quang hợp, tăng cường độ phân giải các chất hữu cơ…)
+ Kali có vai trò to lớn đối với tính chống chịu của cây đối với điều kiên ngoại cảnh bất lợi (khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu nóng…)
– Tác hại về triệu chứng thiếu kali
+ Thiếu kali giảm năng suất quang hợp
+ Thiếu kali ức chế mạnh sinh trưởng của thực vật.
Triệu chứng thiếu kali: lá bắt đầu hóa vàng từ dưới lên (từ lá già đến lá non) và các mép lá, tiếp thao đỉnh lá hóa nâu, đôi khi xuất hiện các vệt đỏ gỉ sắt, tế bào trong, các vệt đó chết và phần lá cây ấy bị hủy hoại

2.2. Các nguyên tố trung lượng

2.2.1 Lưu huỳnh (S)

Hàm lượng trong cây từ 0,2-1,0% khối lượng chất khô.
Các dạng dễ tiêu đối với thực vật là các muối sunfat của axit H2SO4 như CaSO4, MgSO4, NaSO4. Các dạng hợp chất SO3, SO2, H2S…thường độc đối với thực vật.
– Vai trò cấu trúc:
+ Là thành phần của 3 axit amin có trong thành phần của protein là xistein, xistin và metionin, có vai trò trong quá trình trao đổi chất và năng lượng.
+ S có trong thành phần của coenzym như CoA là cơ sở phân tử của quá trình trao đổi chất trong tế bào.
+ Là thành của chất kháng sinh penicilin. S trong các chuỗi polipeptit với nhóm SH tham gia tạo nên cấu trúc không gian bậc 3 của phân tử protein. Các cầu nối disunfit giữa các chuỗi polipeptit hay giữa các đoạn của một chuỗi có tác dụng ổn định cấu trúc phân tử protein.
– Vai trò điều tiết: giữ ổn định thế năng oxy hóa khử của tế bào.
Khi cây bị thiếu S, lá chuyển thành màu lục nhạt, cây chậm lớn.
– Tác hại và triệu chứng thiếu lưu huỳnh:
Thiếu lưu huỳnh ức chế sự tổng hợp các axit amin và prôtêin chứa lưu huỳnh, giảm cường độ quang hợp, giảm tốc độ sinh trưởng. Khi thiếu lưu huỳnh nghiêm trọng sinh tổng hợp diệp lục bị phá hoại và cơ thể bị phân giải. Triệu chứng thiếu lưu huỳnh là lá có màu xanh nhạt và hóa vàng giống với triệu chứng thiếu nitơ. Triệu chứng bắt đầu từ lá non nhất.

2.2.2 Canxi (Ca)

Canxi có mặt trong cây dưới dạng ion và các hợp chất vô cơ và hữu cơ có độ tan khác nhau. Nó thường tập trung ở thân lá nhiều hơn ở hạt, củ.
Lượng canxi trong mô cây biến động nhiều theo tuổi của mô và cơ quan: nhiều trong các mô và cơ quan già.
– Vai trò sinh lý:
+ Canxi có vai trò đáng kể trong sự hình thành các chất hữu cơ và cấu trúc tế bào.
+ Canxi góp phần xây dựng nên bản trung gian giữa các tế bào (thành phần chủ yếu là pectat Ca) do đó ảnh hưởng lớn đến sự phân bào và kéo dài tế bào. Lúc thiếu canxi , hệ rễ ngừng sinh trưởng, không tạo thành lông hút, hóa nhầy và chết
+ Canxi là tác nhân hoạt hóa của nhiều enzym (10 enzym) như amilaza, prôtêaza, lipiza. Ngược lại, nó cũng là tác nhân ức chế của các enzym được Mg hoạt hóa như piruvatphotphokinara, aegininsucxiatsintetaza.
+ Canxi ảnh hưởng đến tính thấm của màng, đến sự vận động của tế bào chất, đến hoạt động của enzim, đến phân bào và nhiều quá trình khác.
+ Canxi tham gia vào các cơ chế đầu tiên của quá trình hấp thụ ion tại các tế bào rễ thể hiện toàn bộ dung tích trao đổi cation trên bề mặt rễ đều do canxi và phần hyđrô chiếm. Hạn chế sự xâm nhập của các ion khác vào rễ cây, canxi góp phần loài bỏ độc tính do nồng độ dư thừa của các ion NH4+, Al3+, Mn2+, Fe3+, tăng tính chịu mặn của cây, giảm độ chua của đất.
– Tác hại và triệu chứng thiếu canxi:
Thiếu canxi trước hết thễ hiện ra trong các mô non đang phân chia và hệ rễ bị hư hại. Ở các tế bào đang phân chia không hình thành được vách tế bào mới do vậy xuất hiện các tế bào nhiều nhân đặc trưng đối với mô nhân sinh thiếu canxi. Thiếu canxi làm tăng sự xuất hiện rễ phụ và lông hút, rễ sinh trưởng chậm, các cutin trương phồng lên dẫn đến các vách tế bào bị hóa nhầy và tế bào bị hủy hoại, rễ, lá, và các phần khác của cây đều bị thối và chết. Triệu chứng thiếu canxi thể hiện ra trước tiên là đầu lá và mép lá bị hóa trắng sau hóa đen rồi phiến lá bị uốn cong và xoắn lại, cấu trúc của màng sinh chất và màng các bào quan bị hư hại canxi.

2.2.3 Magie (Mg)

Hàm lượng Mg trong cơ thể thực vật bậc cao từ 0,02 – 3,1%, ở tảo từ 3,0 – 3,5% khối lượng chất khô. Mg có nhiều ở cơ quan sinh sản và phôi. Mg được sử dụng lại, chuyển từ bộ phận già đến bộ phận non.
Phần lớn Mg trong tế bào ở dạng liên kết với các hợp chất cao phân tử, ở hạt thường ở dạng phytin. Mg là nguyên tố trung tâm của phân tử diệp lục.
– Vai trò cấu trúc:
+ Mg là thành phân cấu trúc nên riboxom và poliriboxom.
+ Là cầu nối giữa nguyên liệu và enzim, tham gia hình thành cấu trúc không gian của axit nucleic.
– Vai trò điều tiết:
+ Mg có tác dụng kích thích khoảng 80 loại enzym như cacboxylase, kinase, ADN-polimerase, ARN-polimerase.
+ Mg tham gia điều tiết nhiều quá trình trao đổi chất trong tế bào.
+ Mg kích thích tăng hiệu lực sử dụng N, P, K của cây. Thiếu Mg, cây có thể bị bệnh lá trắng (bạch tạng như khi thiếu Fe).
+ Mg kích thích ra hoa, kết quả sớm, nâng cao chất lượng hạt.
Thiếu Mg sẽ làm giảm lượng P trong cây và ức chế quá trình tổng hợp các hợp chất photpho hữu cơ, ức chế sự tổng hợp polisacarit-tinh bột và ức chế sự tổng hợp potein.
Thiếu Mg sẽ ảnh hưởng đến lục lạp, sinh tổng hợp diệp lục.
Khi thiếu Mg, lá thường xuất hiện các vệt và các dải màu vàng dọc theo gân lá. Mép lá cũng hóa vàng da cam hoặc đỏ và đỏ sẫm. Xuất hiện đầu tiên ở lá già sau đến lá non và cơ quan sinh dưỡng.

2.3. Các nguyên tố vi lượng

2.3.1 Silic (Si)

Silic có nhiều trong vách tế bào, đặc biệt chứa nhiều ở vỏ hạt lúa nước, lúa mì, yến mạch…
Silic có vai trò là tham gia vào thành phần vách tế bào làm tế bào và cơ thể thực vật vững chắc cơ học, tính đàn hồi, tăng cường tính chống chịu như ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn, chống lốp đổ…
Như vậy, Silic có vai trò làm tăng khả năng bảo vệ của tế bào và cơ thể.

2.3.2 Sắt (Fe)

Chứa trong cây dạng axit hoặc ion. Ở thân, lá sắt chiếm 0,5%, ở rễ: 1% trọng lượng khô. Lượng sắt tham gia các cơ chế tác động trong cây rất ít. Sắt ở dạng kém linh động, khó chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác.
Vai trò sinh lý:
+ Tham gia hỗ trợ, xây dựng các enzym trong dây chuyền tổng hợp sắc tố diệp lục, tham gia vào quá trình quang phân ly nước và photphoryl hoá quang hoá.
+ Là thành phần bắt buộc của hệ enzym oxy-hoá khử: cytocrom, peroxydase, catalase.
+ Tham gia vận chuyển điện tử từ nguyên liệu hô hấp tới oxy.
+ Hàm lượng sắt quá nhiều sẽ gây độc cho cây. Đối với cây trồng cần bón vôi, đạm và một số nguyên tố khác để hạn chế độc hại này.

2.3.3 Natri và Clo

Na và Cl có tác dụng tạo nên áp suất thẩm thấu cao của dịch bào các loài cây chịu mặn giúp cây có thể thắng được lực giữ nước của đất.
* Nhôm (Al)
Al làm tăng độ nhớt của hệ keo, làm tăng khả năng chịu nóng, chịu hạn của cây. Al cũng có khả năng hoạt hóa một số enzym của chu trình Krebs như dehidrogenaza của axit xucxinic (Mc Elroy, Nason, 1954).
2.2. Các nguyên tố vi lượng
* Mangan (Mn)
Hàm lượng Mn trung bình trong cây khoảng 1mg/kg trọng lượng khô, Mn có nhiều ở lá. Cây hấp thụ Mn ở dạng Mn2+.
– Vai trò sinh lý của Mn: Mn tham gia xúc tác phản ứng quang phân ly nước.
Mn tham gia hoạt hóa một số enzym của chu trình krebs: decacboxylase và dehydrogenase.
Khi cây thiếu Mn thì trên lá xuất hiện các vệt hoại tử lốm đốm giữa các gân lá, các mô này sẽ chết. Thiếu Mn làm tăng các nguyên tố khoáng có tính kiềm gây mất cân đối các chất khoáng. Khi thừa Mn cũng gây bệnh cho cây ví dụ đối với lúa, chè…

2.3.4 Molipden (Mo)

Hàm lượng Mo trung bình trong cây khoảng 0,2-2,0mg/kg chất khô. Ở các cây họ đậu thì hàm lượng Mo chiếm nhiều hơn, từ 0,5-2,0mg/kg chất khô. Cây hấp thụ Mo ở dạng MoO-4. Trong cây, Mo tập trung chủ yếu ở các bộ phận non, lá có nhiều Mo hơn rễ và thân. Trong lá, Mo chủ yếu tập trung ở lục lạp.
– Mo là thành phần của trung tâm hoạt động enzym nirogenase của các bacterioit cố định nitơ trong nốt sần cây họ đậu, nghĩa là tham gia quá trình cố định đạm tự do.
– Mo là thanh phần của nitratreductase, tham gia vào quá trinh khử nitrat trong cây.
– Mo kích thích quá trình tổng hợp các axit amin, protein, chlorophyll, antoxian, phenol, tanin…
– Mo cùng với các nguyên tố khác thúc đẩy sự vận chuyển các sản phẩm quang hợp từ lá tới các cơ quan dự trữ làm tăng hiệu quả quang hợp.
– Mo làm tăng khả năng giữ nước của mô, giúp cây chịu hạn tốt.

2.3.5 Coban (Co)

Hàm lượng Co trung bình trong cây khoảng 0,02mg/kg chất khô.
– Co rất cần cho vi khuẩn nốt sần cây họ đậu.
– Co có trong cơ thể thực vật, tồn tại ở dạng ion và trong hợp chất porphyrin của vitamin B12.
* Đồng (Cu)
Hàm lượng trung bình trong mô thực vật là 0,02mg/kg chất khô. Đồng xâm nhập vòa cây ở dạng Cu2+. Trong cơ thể thực vật, Cu chứa nhiều ở các bộ phận đang sinh trưởng và hạt.
– Cu tham gia vận chuyển điện tử trong quang hợp, kích thích quá trình tổng hợp chlorophyll, kích thích sự vận chuyển sản phẩm quang hợp tới mô dự trữ, tổng hợ tinh bột.
– Cu tham gia thành phần các protein chứa đồng và các enzym xúc tác các phẩn ứng oxi hóa khử như oxi hóa axit ascobic, diphenol và hidroxyl hóa các monophenol như ascocbatoxydase, polipheno oxydase, tirozinase.
– Cu tham gia thành phần của phức hệ nitratreductase trong quá trình khử nitrat ở tế bào.
– Cu kích thích quá trình tổng hợp tinh bột, dầu, vitamin…
– Cu làm tăng tính chống chịu lốp đổ nhờ điều tiết hàm lượng các chất ức chế có bản chất phenol của cây, làm tăng tính chống nấm bệnh. Cu cũng làm tăng tính chịu rét, chịu nóng cho cây.
– Cu có tác dụng thúc đẩy quá trình hấp thụ nước, vận chuyển và thoát hơi nước của cây, tăng tính chống chịu hạn ở thực vật.
– Thiếu Cu, cây sẽ phát triển chậm, mất nước cây héo. Đối với các cây hòa thảo, thiếu Cu đầu lá bị trắng, hoa không phát triển; đối với các cây ăn quả, thiếu Cu sẽ gây ra hiện tượng khô đỉnh. Thiếu Cu cây sẽ dễ bị nấm bệnh (khoai tây, cà chua).

2.3.6 Kẽm (Zn)

Hàm lượng Zn trung bình trong cây có thể từ 15-60mg/kg chất khô. Hàm lượng Zn cao nhất ở hạt, cơ quan sinh sản, lá và đỉnh sinh trưởng. Thực vật hấp thụ kẽm dưới dạng Zn+.
– Zn cần cho sự hoạt động của nhiều enzym đường phân (hexokinase, andolase…)
– Zn hoạt hóa enzym hô hấp cacboanhydrase, xúc tác phản ứng loại nước của hydrat oxytcacbon:
Phản ứng này cung cấp CO2 cho quá trình quang hợp.
– Zn xúc tác quá trình tổng hợp triptophan, protein, axit indolilaxetic (AIA). Phun dung dịch Zn cho cây làm tăng sự tổng hợp AIA, kích thích sự sinh trưởng.
– Zn cần cho quá trình sử dụng P vô cơ thành P hữu cơ trong thành phần của axit nucleic, các nucleotit…
Thiếu Zn làm giảm qua trình tổng hợp axit amin quan trọng là triptophan. Thiếu Zn gây ra rối loạn quá trình trao đổi P và nhiều quá trình sinh lý nhờ quang hợp, hô hấp…

2.3.7 Clo (Cl)

Trong cây nguyên tố Cl ở dạng ion clorit (Cl-). Cl cần cho phản ứng quang phân ly nước trong quang hợp, cần cho sự phân bào của lá và rễ.
Thiếu Cl lá sẽ xuất hiện các đốm và gây nên hiện tượng héo đỉnh lá, cuối cùng lá chuyển sang màu đồng thau.

2.3.8 Bo (B)

Hàm lượng trung bình của B trong cơ thể thực vật khoảng 0,1mg/kg chất khô. Cây Hai lá mầm có nhu cầu về B nhiều nhất. B có nhiều ở vách tế bào.
– B tạo những phức chất với đường polisacarit, rượu, các chất phenol…những phức chất này có ảnh hưởng đến cơ chất của các phản ứng enzym, xúc tiến hoặc ức chế quá trình tổng hợp gluxit, protein, axit nucleic…
– Bo tạo phức chất với các rượu vó vai trò tạo các peroxit hữu cơ cung cấp cho cây trồng trong điều kiện yếm khí.
– Bo có liên quan đến trao đổi tinh bột, pectin, amit, axit hữu cơ, caroten, vitamin A.
Khi thiếu B cây có triệu chứng là đỉnh sinh trưởng của thân rễ bị héo chết. Thiếu B gây bệnh thối lõi củ cải đường. Thiếu B liên quan đến sự tích lũy axit cofeic và axit chlorogenic những chất ức chế sinh trưởng.

2.3.9 Niken (Ni)

Thực vật thiếu Ni tích lũy nhiều ure trong lá và do đó xuất hiện bệnh hoại tử đỉnh lá.

Nguyễn Thị Hường
Trường THPT Chuyên Hạ Long – Quảng Ninh

Recommended For You

About the Author: dhqt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *