HỎI ĐÁP VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Thuốc bảo vệ thực vật là gì? Cách phân loại tổng quát ra sao?

Các sản phẩm bảo vệ thực vật là gì? Phân loại chung như thế nào?

Thuốc trừ  sâu là những hóa chất mà  có thể giết chết hoặc kiểm soát sâu bệnh. Dịch hại sinh vật, vi sinh vật, côn trùng, động vật gặm nhấm có khả năng gây thiệt hại cho cây trồng và thực phẩm.

Thuốc BVTV có các loại sau:

– Thuốc trừ  sâu

– Thuốc trừ  bệnh

Thuốc trừ  ốc sên

Thuốc trừ  tuyến trùng

Thuốc trừ  gặm nhấm

Thuốc trừ vi khuẩn

Thuốc trừ nấm mốc

Thuốc trừ  cỏ

Thuốc bảo vệ thực vật có hiệu quả chống lại sâu bệnh trong nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như thông qua đường ruột thông qua miệng, qua da, qua đường hô hấp

Làm thế nào để chọn thuốc sử dụng cho có hiệu quả?

Muốn mua thuốc phải biết loại dịch hại và và phải xác định được thời gian nào cần sử dụng. Nếu không biết, phải hỏi cán bộ chuyên môn hoặc người bán thuốc. Khi sử dụng thuốc, phải nắm được:

– Lọai thuốc, hoạt tính

– Thời gian và cách sử dụng

– Liều lượng, cách pha trộn

– Phương pháp phun hoặc rải

– Biện pháp an toàn

– Băng màu biểu hiện độ độc

– Thuốc còn trong hạn sử dụng

– Có đầy đủ số đăng ký chất lượng và kinh doanh

Xin cho biết các dạng thuốc có trên thị trường?

Thành phần quan trọng nhất trong thuốc bảo vệ thực vật là hoạt chất ( a.i.). Hoạt chất của thuốc không những chỉ giết dịch hại mà còn nguy hiểm đến chết người. Hoạt chất của thuốc thường ở dạng đậm đặc mà người sử dụng không nhìn thấy được. Do đó trong nhà máy người ta phải pha trộn hoạt chất với các phụ gia không độc hại ở thể lỏng dung dịch, nhũ dầu, bột, hạt, cốm… .Sau khi gia công gọi là thành phẩm và có thể đóng vào chai, bao bì để phân phối sử dụng. Các loại thuốc có thể sử dụng ngay không cần pha loãng hoặc phải pha loãng trước khi phun.

Xin cho biết những điểm cần lưu ý khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?

Thuốc bảo vệ thực vật là thuốc độc. Độc đối với người, sinh vật và làm ô nhiễm môi trường. Người sử dụng thuốc phải biết được tính năng độc hại của các loại thuốc và cần phải được tập huấn để phòng ngừa và xử lý tai nạn rủi ro. Nhân viên phân phối thuốc và người bán thuốc phải hướng dẫn cách sử dụng thuốc cho khách hàng. Nên nhớ: Không cho phép người không biết sử dụng thuốc đi phun xịt thuốc Cấm trẻ em và gia súc đến gần dụng cụ phun thuốc khi chưa được lau chùi sạch sẽ.

Do đâu thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường?

Thuốc gây ô nhiễm môi trường do các trường hợp sau:

– Thuốc rò rỉ, rơi vải khi lưu chứa trong kho, khi vận chuyển, pha trộn và phun thuốc

– Không xử lý các bao bì, chai, lo đựng thuốc sau khi sử dụng trên đồng ruộng

– Rửa các dụng cụ chứa thuốc, bơm thuốc dư thừa vào nguồn nước hoặc đổ ra ven đường

Nên nhớ:

– Không sử dụng thuốc gần các nguồn nước cho ăn, uống và ao hồ nuôi cá

– Thuốc còn dư sau khi phun, cần pha loãng ra 10 lần, phun tiếp trên cây trồng, không đổ bỏ vào môi trường.

Những điểm nào cần lưu ý khi đọc nhãn thuốc bảo vệ thực vật?

Hướng dẫn sử dụng thuốc phải ghi rõ bằng tiếng địa phương trên mỗi loại thuốc. Nếu nhãn thuốc không có phần hướng dẫn sử dụng thì phải có kèm theo tờ bướm hướng dẫn phụ. Phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun thuốc

Các điểm quan trọng cần lưu ý trên nhãn thuốc là:

– Tên thương mãi, tên hoạt chất, công ty nào sản xuất?

– Thuốc này phòng trừ loại dịch hại gì? Trên cây trồng gì?

– Phương pháp sử dụng như thế nào?

– Độ độc thế nào đối với người sử dụng?

– Phòng độc như thế nào?

– Những mặt nào cần chú ý để ngăn ngừa?

– Có dư lượng nguy hiểm không? Thời gian cách ly an toàn sau khi phun?

Bao bì có nên san sẻ hoặc đóng gói lại không?

Mỗi bao bì đều phải có nhãn rõ ràng theo qui định của nhà nước.Tất cả bao bì phải niêm phong do nhà chế tạo để tránh rò rỉ, mất mát, làm giả. Không được phép san sẻ hoặc đóng gói lại các bao bì nguyên đai, nguyên kiện cúa các nhà máy vào các bao bì nhỏ để bán lẻ.

Thiệt hại do bao bì như thế nào?

Khi vận chuyển thuốc phải cẩn thận, thường xuyên kiểm tra bao bì để đề phòng rò rỉ và xem xét dấu hiệu hư hại. Bao bì cũ hay rò rỉ rất nguy hiểm trong khi vận chuyển. Cần thiết phải nhanh chóng thay bao bì rò rỉ hoặc hư hại. Nếu chất lượng thuốc còn tốt thì có thể đóng gói lại giống như bao bì của nhà máy. Sau đó rửa sạch và giữ lại hiện trạng của bao bì cũ, bỏ nhãn cũ để tránh nhầm lẫn. Sau khi đóng gói lại, viết nhãn mới thay thế nhãn cũ. Nhanh chóng gắn và niêm phong bao bì mới. Báo trước các kiệûn thuốc đóng bao bì lại.

Nhập và quản lý thuốc trong kho như thế nào?

Thuốc bảo vệ thực vật là chất hóa học, nếu không cẩn thận và để quá lâu, thuốc giảm chất lượng và sẽ mất tác dụng. Do đó, kế hoạch đặt mua phải tính tóan cẩn thận để giảm bớt thời gian lưu kho và tránh dư thừa. Tránh để thuốc trong kho có nhiệt độ, ẫm độ cao hoặc để thuốc ngoài trời có ánh nắng trực tiếp. Cấm trẻ em, người không có nhiệm vụ và gia súc vào khu vực có thuốc. Không để thuốc gần thức ăn và nước uống. Cán bộ làm việc trong kho cần được đào tạo, họ phải mặc quần áo bảo hộ lao động trong khi làm việc, nơi ở cách ly với thuốc. Trong kho cần thông gió để thoát chất độc, trang bị bình chữa cháy, treo các tiêu lệnh báo cháy, số điện thoại khi cháy cần liên lạc với ai? Cơ quan nào trách nhiệm?

Cách sắp xếp thuốc trong kho như thế nào?

Xếp các loại thùng, hộp đựng thuốc ngăn nắp, không xếp cao quá để khi phân phối thuốc được dễ dàng. Thuốc có bao bì to hoặc dạng hạt, dạng lỏng, thuốc có độ độc cao xếp bên dưới; dạng bột, cốm bên trên. Giữ sàn cho sạch, không lộn xộn, xếp thành hàng, có giá đựng thuốc. Giữ kín cửa, cấm lửa từ ngoài vào. Không để bao bì, thùng đựng thuốc trực tiếp trên sàn kho, phải kê đáy bao bì cách sàn kho. Thực hiện “nhập, xuất” đều có sổ sách ghi chép đầy đủ hiện trạng, rõ ràng, cần phải có thẻ kho.

Sắp xếp thuốc trong cửa hàng ra sao?

Xếp thuốc ngăn nắp, an toàn để dễ cấp phát, nên trưng bày mẫu chai lọ, bao bì không chứa thuốc. Thuốc có độ đôcü cao cần để trong tủ kính và khung gỗ, bao hoặc chai có chứa thuốc nên để nhà sau hoặc trong kho kín.

Để an toàn cần làm những việc sau:

– Không để quán nhiều thuốc cùng loại tại cửa hàng mà nên để ở nhiều kho khác nhau

– Không trưng bày thuốc gần thức ăn, không bán thuốc cho trẻ em.

– Chuẩn bị sẵn nước, xà phòng để rữa tay sau khi giao hàng xong

– Ghi rõ “Nguy hiểm, độc hại” trong cửa hàng để mọi người dễ nhìn.

Vận chuyển và bốc dở thuốc như thế nào?

Không chở thuốc trong xe khi có người và thực phẩm. Nếu chở cùng xe thì để khoang riêng, chở thuốc phải cách ly với người và lương thực. Thông báo cho lái xe biết lô hàng và độ độc của thuốc.

Biện pháp an toàn khi bốc dở thuốc:

– Bảo đảm các dây đai chắc chắn, để đúng theo chiều đứng của thùng thuốc

– Bốc dở thuốc nhẹ nhàng, không lăn, đẩy thùng thuốc từ trên cao xuống

– Cạnh kim loại thân xe và đầu gỗ trên xe có thể đâm thủng bao bì và làm rò rỉ thuốc

– Kiểm tra hàng, nếu rò rỉ, mất nhãn thì phải làm lại ngay trước nhập vào kho.

Phải xử lý như thế nào nếu bị đổ vỡ thuốc trên đường vận chuyển?

Nếu bị đổ vỡ, rò rỉ trên đường vận chuyển, phải làm theo chỉ dẫn sau:

– Bịt kín lỗ rò rỉ

– Không để người và gia súc đến gần

– Lấy đất, cát, mùn cưa thấm thuốc, quét sạch

– Rửa sạch xe bị đổ thuốc

– Chôn hoặc đốt thực phẩm bị nhiễm độc

– Chôn sâu chai bể, cặn bã thuốc ở nơi an toàn

Những biện pháp an toàn nào khi đong đo và pha trộn thuốc?

– Trước hết phải đọc nhãn thuốc để biết liều lượng, và luôn luôn làm dúng theo các hướng dẫn pha trộn và sử dụng dụng cụ phun thuốc.

– Loại thuốc dạng bột, viên nên sử dụng trực tiếp bằng tay hoặc bằng dụng cụ phun rải. Loại bơm ULV, loại thuốc chuyên dùng, lắp trực tiếp vào bình bơm

– Thuốc dạng nhũ dầu pha nước thì phải đong đo trộn ở ngoài, rồi đổ trực tiếp vào bình bơm

– Thuốc dạng bột thấm thì phải pha trộn với một ít nước để tránh thuốc bay, bốc lên khi đổ vào bình bơm. Thuốc đổ vào bình bơm đúng mức quy định rồi lắc cho tan đều.

Nên nhớ:

– Pha đúng liều lượng, mang dụng cụ bảo hộ lao động ( bao tay, kính bảo vệ mắt… ).

– Cách đổ thuốc dạng bột, bột thấm nước đựng trong bao bì là cắt miệng bao hẹp và đổ sát vào nước, giữ kín miệng bình thuốc, đứng trên chiều gió, tránh thuốc bay vào người

– Không dùng tay, miệng để bốc thuốc

– Không nhúng tay vào trong thuốc để khuấy thuốc

Xin cho biết thế nào là sử dụng an toàn trên đồng ruộng?

Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an tòan trên đồng ruộng là:

– Không để người không có chuyên môn sử dụng thuốc trên đồng ruộng

– Cấm trẻ em, người không nhiệm vụ, gia súc vào khu vực phun thuốc

– Thu dọn sạch thuốc và dụng cụ sau khi phun thuốc trên đồng ruộng

– Không sử dụng bình bơm còn thuốc cũ, phải rửa sạch bên trong và ngoài bình bơm sau mỗi lần đổi loại thuốc

– Không phun ngược chiều gió, không phun khi gió to để tránh thuốc bay đi xa không vào nơi định phun

– Không phun khi trời quá nóng trong ngày vi người có nhiều mồ hôi thuốc sẽ dễ tiếp xúc qua da

– Không thổi vòi phun bằng miệng; lấy que, cọng cỏ để thông rửa lổ vòi bị tắc

– Không ngậm thuốc lá hoặc hút thuốc trong khi phun thuốc

– Chờ ít nhất 24 giờ mới trở lại ruộng đã phun

– Không đổ hoặc rửa thuốc ở ao hồ, dòng nước, trên đường đi

– Rửa sạch và lau chùi dụng cụ phun thuốc sau mỗi ngày làm việc

– Đổ nước rửa bình bơm vào hố, nơi an toàn

Xin cho biết triệu chứng tổng quát khi ngộ độc thuốc và cách sơ cấp cứu?

Triệu chứng ngộ độc: choáng váng, khó chịu, đau đầu, buồn nôn, dị ứng da, mắt và mũi. Trường hợp nặng hơn là bị đau, quặn ruột, tim đập nhanh, khó thở, run rẩy, nôn mửa và bệnh tình có thể tăng lên.

Trong khi chờ bác sĩ hoặc chờ đưa đến bệnh viện cần làm các bước sau:

– Thay quần áo cho người bị ngộ độc, lau rửa thân thể sạch sẽ

– Rửa mắt ngay bằng nhiều nước, ít nhất là 10 phút nếu mắt bị nhiễm độc

– Không được uống rượu, sữa khi ngộ độc

– Để bệnh nhân nơi mát, yên tĩnh, thoãi mái, xa vùng bị nhiễm độc

– Đưa ngay đến bệnh viện, chỉ cho bác sĩ nhãn thuốc, loại thuốc và tình trạng ngộ độc

( do ăn, uống, hít thỏ hay tiếp xúc… )

– Sau khi khỏi bệnh, cần được nghỉ ngơi trong vài tuần. Nếu bệnh nhân trở lại làm việc quá sớm, sẽ bị ngộ độc nặng hơn.

Những hiểu biết nào mà người bán hoặc phân phối thuốc cần phải có?

Nói chung người bán thuốc phải trải qua các lớp tập huấn về an toàn và sử dụng thuốc, phải hiểu biết cách phân lọai, tính năng của từng loại thuốc, từng loại dịch hại. Người cấp và bán thuốc phải biết cách hướng dẫn người sử dụng thuốc như thế nào cho có hiệu quả đúng với từng loại dịch hại. Người cấp và bán thuốc phải chấp hành luật và điều lệ thuốc bảo vệ thực vật. Người bán thuốc phải biết nhận định loại thuốc thật hoặc giả. Nếu cần có thể thông báo cho cơ quan quản lý hoặc gửi mẫu cho cơ quan quản lý.

Dịch hại là gì? Trong nông nghiệp có các loại dịch hại nào?

Dịch hại là tất cả động vật, thực vật và các vật sống gây thiệt hại hoặc truyền bệnh tật cho cây trồng, các sinh vật khác thậm chí cả người. Chúng có thể phá hỏng lương thực trong kho, nhà cửa.

Các loại dịch hại là:

– Sâu: tên gọi chung cho nhóm côn trùng, có nhiều loại sâu thay đổi hình dạng một lần hay nhiều lần trong vòng đời của chúng. Sâu gây hại hầu hết khi chúng còn non

– Nhện: các loại nhện rất nhỏ, màu đỏ hoặc xanh, có 8 chân. Nhện là loại gây hại trên bông, rau và cây ăn quả

– Ốc và sên: là loại có thân mềm và nhớt. Thân ốc được bao bọc lớp vỏ cứng, còn loài sên thì không có vỏ bao. Ban ngày chúng nghỉ, ban đêm đi kiếm ăn.

– Tuyến trùng: là loại rất nhỏ, không màu, không thấy được bằng mắt thường. Tuyến trùng chích, hút rễ thân, đỉnh sinh trưởng và gây hại làm cho cây kém phát triển. Rất khó phòng trừ tuyến trùng

– Gậm nhấm: là loài chuột, sóc có thể gây hại cho cây trồng, hoa quả và sản phẩm trong kho. Chuột sinh sản nhanh và có thể phòng trừ có hiệu quả bằng nhiều biện pháp kết hợp với nông dân

Xin cho biết sơ lược về tác nhân của các loại bệnh ở cây trồng?

Bệnh cây trồng gây ra do các loại nấm, vi khuẩn và virút. Thường các loại này ký sinh không thể thấy bằng mắt thường. Các bệnh này lây lan nhanh do gio,ï mưa hoặc do sâu, tuyến trùng hay do các loại dụng cụ.Thông thường một cây bệnh có thể phát triển, lây lan ra toàn bộ cánh đồng. Biện pháp rất có hiệu qủa là phòng ngừa và hủy bỏ các loại cây bệnh để ngăn chặn gây hại ra diện rộng.

Cỏ ảnh hưởng như thế nào đến cây trồng và môi trường chung quanh?

Cỏ là một loại thực vật phát triển nhanh, chúng hút mất nhiều nước, nhiều phân bón trong đất, cạnh tranh ánh sáng với cây trồng. Chúng là nguồn thức ăn, là nơi cư trú và lây lan của sâu bệnh gây hại cây trồng. Cỏ gây hại rất lớn đối với năng suất cây trồng hơn cả các loài sâu và chuột gây hại. Do đó, người nông dân cần phòng trừ cỏ trên dồng ruộng. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào khác, cỏ dại có tác dụng che đất, giãm bỗc thoát nước, tạo cảnh quang, chống xóay mòn, điều hòa nhiệt độ mặt đất. Cỏ còn là nguồn thực phẫm cho súc vật.

Hoạt chất là gì trong quá trình gia công thuốc bảo vệ thực vật?

Hoạt chất là chất quan trọng nhất trong sản phẩm gia công, mang những đặc tính liên quan nhiều nhất đến việc lựa chọn các nguyên liệu gia công. Hàm lượng chất độc có trong sản phẩm kỹ thuật tùy thuộc vào trình độ công nghệ, khả năng tổng hợp và chúng thường có hàm lượng rất cao.

Tại sao lại gọi là dung môi cho thuốc bảo vệ thực vật?

Dung môi là chất mang có tác dụng hòa loãng chất độc. Dựa vào khă năng hòa tan với nước, dung môi được chia làm 2 nhóm:

– Dung môi không hòa tan trong nước, thường được dùng để gia công thuốc sữa

– Dung môi có thể hòa tan với nước, thường để gia công các dạng thuốc dạng lỏng hòa tan đậm đặc.

Dung môi cũng có độ độc cao đối với động vật và môi trường.

Chất mang là gì?

Là chất rắn trơ dùng để hòa loãng sản phẩm kỹ thuật trong quá trình gia công các dạng khô như bột, bột thấm nước và hạt, nhằm làm cho việc rãi một lượng chất độc nhỏ lên trên một diện tích lớn được dễ dàng hơn. Chất mang thường được sử dụng là bột talt, kao lanh, đất sét trơ, pyrophylit, bentonit, diatonit.

Thế nào là chất hoạt động bề mặt trong thành phần của thuốc thương phẩm?

Là những hóa chất đặc biệt khi hỗn hợp với nước sẽ tạo nên một dung dịch không đồng nhất, nhưng làm giảm sức căng bề mặt, tăng tính thấm ướt, tính phân tán của dung dịch phun. Chất hoạt động bề mặt có tác dụng như chất hóa sữa, chất tạo bọt, xà phòng, chất thấm ướt, chất phân tán, chất loang dính.

Có bao nhiêu dạng thuốc bảo vệ thực vật có mặt trên thị trường?

Các dạng thuốc BVTV được chia làm 3 nhóm:

Nhóm I, thuốc đậm đặc, phải hòa loãng với nước: thuốc sữa EC, chứa hàm lượng chất độc cao; huyền phù đậm đặc SC, thường ở dạng bột chảy lỏng; viên bao vi thể CG; dung dịch đậm đặc SL; dạng bột tan SP hay viên bột tan SG trong nước; thuốc bột thấm WP; dạng viên hòa tan WG; dạng phân tán đậm đặc DC.

Nhóm II, thuốc đậm đặc phải hòa loãng với dung môi: dạng lỏng không hòa tan OL; dạng bột phân tán trong dầu OP.

Nhóm III, dạng thuốc dùng ngay không cần hòa loãng: dạng hạt GR; thuốc bột DP; dạng Flo-dust GP, dạng bột rất mịn dùng để xông hơi trong nhà kính.

Có bao nhiêu thuốc bảo vệ thực vật bị cấm và bị hạn chế sử dụng?

Căn cứ vào cách phân loại độ độc của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam đã liệt kê 23 loại thuốc thuộc nhóm bị cấm, 20 thuốc bị hạn chế sử dụng và 218 thuốc được dùng rộng rãi. Những thuốc BVTV bị cấm là những thuốc có độc quá cao đối với người và động vật máu nóng, động vật có ích và thiên địch động vật thủy sinh hoặc do thuốc tồn tại quá lâu trong môi trường. Những hạn chế sử dụng được quy định cụ thể cho từng loại thuốc với các ý nghĩa khác nhau: hạn chế số loài cây trồng, giai đoạn sử dụng, nồng độ thuốc, dạng thuốc, hạn chế nhập khẩu, hoặc quy định chỉ có những người được huấn luyện kỹ mới được phép sử dụng…

Xin cho biết khái quát về thuốc trừ sâu ?

Thuốc trừ sâu bao gồm những hợp chất vô cơ, hữu cơ và các vi sinh vật tiêu diệt côn trùng gây hại cho cây trồng, cây rừng, nông sản, gia súc và người. Thuốc trừ sâu được chia thành các nhóm khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.

– Theo nguồn gốc hóa học: Thuốc trừ sâu vô cơ, hữu cơ, thảo mộc, có dầu, sinh học …

– Theo con đường tác động: Thuốc trừ sâu trực tiếp, vị độc, xông hơi, nội hấp, thấm sâu…

– Theo cơ chế tác động:Thuốc trừ sâu kìm hãm men Cholinesteraza, điều khiển sinh trưởng, chống lột xác của côn trùng…

– Theo phương pháp xử lý: Thuốc trừ sâu phun lên cây, thuốc trừ sâu xử lý đất, xử lý hạt, xông hơi.

Đặc điểm của cây hoa cúc khi được sử dụng làm thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc?

Pyrethrum là những hỗn hợp este phức tạp có trong các loại cây Cúc sát trùng trong giống Chrysanthenum, loài phổ biến nhất là Pyrethrum cinerariaetrifolium. Người ta đã tổng hợp chúng thành một nhóm thuốc trừ sâu tổng hợp thế hệ mới rất tốt vói tên gọi là Pyrethroit. Chất pyrethrum có tác dụng tiếp xúc mạnh, vị độc và xông hơi kém; tác động chủ yếu đến hệ thần kinh ngoại vi. Thuốc an toàn với động vật máu nóng, thực vật, không tích lũy trong cơ thể sinh vật, thuốc được áp dụng vói lượng hoạt chất nhỏ/đơn vị diện tích. Nhưng thuốc không bền trong môi trường, dễ bị ánh sáng phân hủy. Trở ngại chính của nhóm thuốc này là do giá thành cao.

Cây Nem có tác dụng trừ sâu như thế nào?

Có tác dụng tiêu diệt, kìm hãm sự sinh trưởng của côn trùng. Ở Ấn Độ người ta trồng nhiều để trừ sâu. Dịch trích từ hạt quả cây Neem có thể phòng chống sâu ăn lá rau trong vài tuần. Thuốc này không gây hại cho thiên địch. Dịch cây Neem ở nồng độ 3 – 5ppm có thể phòng chống mọt hại kho đến 6 tháng.

Dây thuốc cá có thể làm thuốc trừ sâu được không?

Rễ dây thuốc cá chứa hàm lượng Rotenon và Rotenoit cao, dùng để trừ sâu khoang, rệp sáp, mọt gạo. Thuốc rất an toàn đối với cây trồng và động vật máu nóng. Độc đối với cá, nhưng an toàn đối với tôm, nên thường được dùng để trừ cá trong ruộng nuôi tôm. Thuốc bị phân hủy rất nhanh trong môi trường ( sau 48 giờ ).

Xin cho biết các vi sinh vật sử dụng để trừ sâu?

Vi sinh vật gây bệnh cho côn trùng như vi khuẩn, nấm, protozoa, virus, mycoplasma hoặc các loài vi sinh vật khác làm giảm khả năng lây lan của côn trùng. Các vi sinh vật gây bệnh và ký sinh được gia công thành sản phẩm thương mại. Các thuốc này có độ độc cao đối với sâu hại, nhưng không gây độc cho người và động vật máu nóng. Các thuốc trừ sâu vi sinh là các sản phẩm dùng để phun lên cây, qua đó côn trùng bị nhiễm bệnh, ngộ độc rồi chết

Tác hại của các loài nhện hại cây như thế nào?

Nhện là loài dịch hại quan trọng của bông và nhiều cây trồng khác. Chúng ký sinh trên cây ăn quả, rau và nhiều cây trồng khác. Nhện chích tế bào thực vật làm cho lá bị biến màu, lá xoăn, vặn vẹo; lá và quả rụng sớm.Ngòai ra, chúng còn làm tăng sự sần sùi của cành non và lá. Các loài nhện trong kho thường ăn hạt, bột mì và các loại thực phẩm khác. Trên cây bông, nhện đỏ Tetranychus làm lá vàng úa, hiện tượng này lây lan nhanh, lá rụng sớm, cây có thể bị chết sau vài tuấn từ khi phát hiện triệu chứng. Trên cây cam quít, chúng làm cho trái bị hiện tượng da lươn, da cám, hay da các sấu …

Phải sử dụng các thuốc nào trừ nhện hại cây?

Trước đây thuốc trừ nhện rất hiếm. Nay, các thuốc trừ nhện thông dụng là Rufast 3EC, Comite 73EC, Nissorun 5 EC, Microthiol 80 WP, Kumulus 80WP. Nhện rất mau quen thuốc, nên thay đôi chủng loại thường xuyên và áp dụng theo chỉ dẫn trên nhãn. Các loại thuốc trừ nhện này tương đối ít độc đối với độc vật máu nóng.

Các biện pháp nào để phòng trừ sên ốc hại hoa màu, đồng ruộng?

Sên và ốc phá hại nhiều loại cây trồng như ngũ cốc, rau màu, cây ăn quả và cây cảnh. Chúng chẳng những làm biến dạng nông sản, mà còn hủy hoại cây con hay làm giám chẫt lượng do các vết nhớt của chúng. Ốc bươu vàng phá hại trên ruộng mạ, lúa non, thậm chí cả trên lúa già.

Muốn phòng trừ ốc bươu vàng có hiệu quả cần vệ sinh đồng ruộng, đặt lưới chặn ngay nguồn nước, bắt ốc để làm thức ăn gia súc; bắt ổ trứng để thiêu hủy chúng; ngăn ngừa khả năng di chuyển thông qua biện pháp kiểm dịch, hạ mực nước trên ruộng, đánh rãnh và dùng vôi hoặc thuốc hóa học. Methaldehyd và Methiocarb là 2 loại thuốc trừ ốc, sên hữu hiệu nhất, thường được gia công dưới dạng bột tan hay dạng viên.

Xin cho biết về dịch chuột và biện pháp phòng trừ?

Chuột sinh sản nhanh, gây hại cho cây trồng và nông sản. Biện pháp phòng trừ chuột tốt nhất là ngăn ngừa sự hình thành quần thể chuột ở mật độ thấp nhất quanh năm, áp dụng các biện pháp đồng loạt và mang tính cộng đồng.

a) Một số biện pháp diệt chuột:

– Xác định sự có mặt của chuột qua đấu chân, đường chạy, hang, vết gặm, cây trồng bị hại và phân chuột.

– Quanh nhà giữ không cho cỏ mọc, ít bụi rậm, không để thức ăn thừa hay các phế thải

– Tạo vòng bảo vệ thân dừa, cọ dầu để diệt các loài chuột ăn hạt. Dọn sạch gốc để chuột không có đường leo

– Giữa bờ và mặt ruộng cần có một rãnh nước hẹp ( rộng khoảng 40 cm ) để ngăn chuột đào hang

– Diệt chuột đồng bằng phương pháp dùng bẫy cây trồng

b) Dùng bả diệt chuột:

Thuốc trừ chuột truyền thống được chia làm 2 nhóm:

– Nhóm độc cấp tính: tác động đến chuột nhanh, cực độc, ngay liều đơn cũng có thể gây chết chuột, thí dụ thuốc Phosphua kẽm …

– Nhóm độc mãn tính: tác động của thuốc chậm, chuột phải ăn nhiều lần. Những chất này thường là hợp chất chống đông máu như Wafarin, Coumatetralyl và Chlorophacinone được sử dụng rộng rãi nhất để diệt chuột

Xin cho biết các loại thuốc thông dụng nào để phòng trừ bệnh cây?

Việc phòng trừ bệnh cây bao gồm các tác nhân gây bệnh là nấm, vi khuẩn và siêu vi trùng. Phần lớn các loại thuốc trừ bệnh cây hiện nay là thuốc trừ nấm (Fugicide) và một số rất ít thuốc trừ vi khuẩn (Bactericide), chưa có thuốc trị bệnh cây do siêu vi trùng (vi rút). Do phần lớn các loại thuốc trừ bệnh có tác dụng chọn lọc cao, nên phải chọn đúng loại thuốc, phù hợp với thời kỳ sinh trưởng của cây và trên kết quả dự tính dự báo chiều hướng phát triển bệnh ( phụ thuộc nhiều vào thời tiết ), cần tập trung phun phòng trước khi bệnh xuất hiện rộ trên diện tích cây trồng.

Phun thuốc trừ sâu ở nhiệt độ cao có lợi hay có hại?

Ở điều kiện nhiệt độ cao, trời nóng bức, phun thuốc trừ sâu rất dễ bị ngộ độc, vì càng nóng, hơi độc bốc lên càng mạnh, phản ứng hóa học giữa thuốc sâu với các chất trong cơ thể càng nhanh. Vì vậy, người ta tránh phun thuốc trong một số giờ nóng bức trưa hè. Tuy nhiên nhiệt độ cao và ẩm độ cao làm cho thuốc phun trên cây nhanh chóng bị phân hủy và có thể rút ngắn thời gian từ khi phun cho tới lúc thu hoạch mà không sợ thuốc vẫn còn sót lại trên cây trồng.

Những nguyên tắc chính để giải độc thuốc trừ sâu bệnh?

Có 3 nguyên tắc chính:

– Tống nhanh chất độc ra khỏi cơ thể : Chất độc nhiễm vào cơ thể bằng nhiều đường nhưng chủ yếu là đường tiêu hóa, nên để tống chất độc ra ngoài, người ta thường rửa dạ dày hay gây nôn mửa

– Phân hủy hay trung hòa chất độc: Để làm giảm tác hại của chất độc trong cơ thể, người ta dùng các thuốc hút giữ các chất độc, dùng các thứ thuốc biến chất độc thành chất không độc, hoặc dùng các thuốc có tác dụng đối kháng

– Chống các hậu quả do chất độc gây nên, giúp cơ thể vượt qua giai đoạn nguy hiểm của ngộ độc: Chất độc thâm nhập vào cơ thể bất kỳ đường nào, trong trường hợp nặng cũng đều gây nên những biến lọan trên bộ máy tuần hoàn, hô hấp, làm cơ thể thiếu oxy và đồng thời làm ảnh hưởng đến các họat động của gan, thận. Vì thế, chống các hậu quả do ngộ độc thuốc trừ sâu là chống tình trạng thiếu oxy; chống trụy tim mạch; chống những tai biến về máu; và chống những tai biến về gan.

Triệu chứng ngộ độc nhóm thuốc lân hữu cơ?

Ngộ độc nhẹ: ăn mất ngon, đau đầu, buồn nôn hay nôn mửa

– Ngộ độc tương đối nặng: vã nhiều mồ hôi, chảy nước dãi, đau dạ dày và ruột, bắp thịt và gân hơi bị co rút, co đồng tử mắt.

– Ngộ độc nặng: bắp thịt co, hiện tượng co cứng, cử dộng không điều hòa, bí đại tiểu tiện, co đồng tử, hô hấp khó khăn. Nếu nghiêm trọng hơn, bệnh nhân co giật toàn thân, rối loạn hô hấp, phù phổi, hôn mê, mất phản xạ, tim ngừng đập và tử vong.

Phương pháp cứu chữa khi ngộ độc thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ?

Xử trí ban đầu: Rửa thật sạch bằng nước và xà phòng chỗ da chạm phải thuốc, rửa mắt bằng nước muối 9 phần nghìn trong 15 phút, nếu bị thuốc vào mắt. Gây nôn nếu uống nhầm thuốc chưa gây tổn hại, trầy sướt hệ tiêu hóa.

Bước tiếp theo: để cho bệnh nhân dễ thở, đặt đầu bệnh nhân thấp và nghiêng về một bên để đờm dãi có thể chảy ra, làm hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân khó thở.Cho uống hoặc tiêm Atropin sulfat (Y bác sĩ thực hiện)

Trong lúc ngộ độc tuyệt đối không nên cho bệnh nhân uống các chất kích thích, sữa và các chất dầu mỡ.

Triệu chứng ngộ độc phèn xanh?

Triệu chứng điển hình khi hít phải hợp chất đồng là bị sốt, nạn nhân run và rất nóng, ra mồ hôi, đau dầu, niêm mạc cuống họng và khí quản bị kích động có cảm giác nóng bỏng, hắt hơi, có khi chảy máu mũi, đau nhức bắp thịt, ho và khạc ra đờm xanh màu lục. Có khi sốt về chiều kéo dài 3 – 4 ngày, có thể chảy nước mắt do mắt bị kích động, có vị ngọt ở miệng, nôn mửa, yếu mệt, chảy nước dãi, đau bụng, chuột rút.

Xin cho biết một vài tính chất ưu việt của thuốc trừ sâu điều hòa sinh trưởng?

Thuốc trừ sâu điều hòa sinh trưởng thuộc nhóm thuốc thế hệ mới, chuyên giết sâu hại ở giai đoạn ấu trùng, nhộng và đôi khi ở giai đoạn trưởng thành. Hoạt chất của nhóm thuốc này có chứa các chất điều hòa sinh trưởng (hormone), được chiết suất từ hóc môn trẻ hóa của các loại sâu non. Chất này có khả năng chống lại quá trình lột xác ở côn trùng làm cho lớp da bộc cơ thể không hình thành được, làm sâu non chậm phát triển, làm nhộng không chuyển hóa thành thành trùng được. Sâu sẽ bỏ ăn và chết sau đó. Thuốc này có tác dụng chậm, cho nên cần phun sớm khi sâu mới nở hoặc lúc tuổi còn nhỏ. Thuốc an toàn với người, vật nuôi, thiên địch và môi trường chung quanh.

Làm thế nào để phối hợp thuốc cho hợp thuốc cho hợp lý?

Phối hợp thuốc BVTV là pha chung hai hoặc nhiều loại thuốc trong một bình phun để phun cùng một lần nhằm diệt được nhiều đối tuợng gây hại cây trồng; đồng thời tiết kiệm được công phun thuốc. Thông thường chỉ nên phối trộn tối đa hai loại thuốc trong cùng một lần phun sẽ cho hiệu quả cao, đồng thời kiểm soát được tác hại ngược lại do quá trình phối trộn.

Chỉ nên phối hợp các loại thuốc bảo vệ thực vật thuộc các nhóm gốc khác nhau thì hiệu quả mới cao như: thuốc nhóm lân phối hợp với nhóm các ba mát, lân + cúc, các ba mát + cúc, các ba mát + điều hòa sinh trưởng, thuốc vi sinh phối hợp với gốc lân hoặc cúc.

Chỉ nên phối hợp thuốc có cách tác dụng khác nhau như (tiếp xúc, vị độc, xông hơi, nội hấp, lưu dẫn,…)

Chỉ nên phối hợp thuốc trừ sâu với thuốc trừ bệnh, thuốc trừ sâu với thuốc trừ cỏ, thuốc trừ cỏ với phân bón, …

Không nên phối hợp thuốc trừ bệnh với phân bón qua lá hoặc chất điều hòa sinh trưởng, không phối hợp thuốc trư sâu vi sinh với thuốc trừ bệnh có nguồn gốc chất kháng sinh…

Trước khi phối hợp cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn theo phương pháp phối trộn: Không trộn thuốc có tính acid với thuốc có tính kiềm, nồng độ của mỗi loại phải giữ nguyên như khi dùng riêng rẽ, sau khi pha trộn nên áp dụng ngay.

Nếu không biết rõ nguồn gốc hay cách hướng dẫn phối trộn, cần pha hai loại thuốc riêng rẽ ; sau đó đổ chung hai dung dịch này vào một lọ thủy tinh để xem chúng có sánh đặc hay gọi là kết tủa không? Nếu không có hiện tượng này, cần đem hỗn hợp trên phun lên cây trồng với một diện tích nhỏ chừng vài mét vuông trước, để xem hỗn hợp thuốc có gây độc cho cây trồng không? Nếu an toàn thì mới áp dụng cho diện tích rộng.

Thế nào là hổn hợp thanh phàn vôi? Cách pha chế và cách phòng trị?

Hỗn hợp thanh phàn vôi còn gọi là hỗn hợp boóc đô, được pha chế từ dung dịch đồng (còn gọi là vôi hay phèn xanh) với nước vôi. Tùy theo hàm lượng thành phần và lượng vôi nguyên chất mua từ thị trường mà có cách phối hợp khác nhau. Thông thường để cho hỗn hợp trước khi mang đi áp dụng đạt được pH gần trung tính (pH = 7) an toàn cho cây trồng cần pha chế như sau:

+ 1Kg thanh phàn + 50 lít nước = chậu A

+ 1 Kg vôi sống + 50 lít nước = chậu B

+ Đổ chậu A từ từ vào chậu B, khuấy đều cho phản ứng xảy ra chầm chậm.

Dùng giấy đo pH nhún vào hỗn hợp để kiểm tra chỉ số pH, khi nào màu của tờ giấy trùng với màu chuẩn trên nhãn hợp đo pH # 7, ta dừng lại, không đổ chậu A vào chậu B nữa.

Hỗn hợp sau cùng gọi là hỗn hợp thanh phàn vôi 1% dùng để phun trị rất nhiều loại nấm, vi khuẩn gây bệnh cho cây trồng.

Khái niệm về hệ sinh thái đồng ruộng?

Từ khi trái đất được hình thành, dưới tác động của các điều kiện môi trường trong thời gian dài, những quần thể sinh vật đã được hình thành và cùnh chung sống với nhau; chúng có mối quan hệ chặt chẽ qua lại khắn khít để tồn tại, Một phức hợp các sinh vật cùng tồn tại trong cùng một khu vực với một số điều kiện sống đặc trưng thì được gọi là hệ sinh thái.

Hệ sinh thái tự nhiên là hệ sinh thái ít chịu tác động của con người, ví dụ như hệ sinh thái rừng ngập mặn.

Hệ sinh thái nông nghiệp là hệ sinh thái có sự tham gia của con người với mục đích canh tác, trồng trọt theo hướng khai thác có lợi; ví dụ như hệ sinh thái vười cây ăn trái, hệ sinh thái ruộng lúa, hệ sinh thái cây trồng cạn…

Xin cho biết những thành phần chính của hệ sinh thái ruộng lúa?

Hệ sinh thái ruộng lúa có hai thành phần chính:

– Yếu tố phi sinh vật: bao gồm ánh sáng, nhiệt độ, ẩm độ, gió, đất, nước…. Đấy là những yếu tố cần thiết cho sự sống của cây lúa, chúng thay đổi theo ngày, tháng, năm, mùa vụ, tác động mạnh đến yếu tố sinh vật.

– Yếu tố sinh vật: Bao gồm cây ký chủ, dịch hại và thiên địch..

Cây lúa: Cây lúa tạo nên tiểu vùng khí hậu, là nguồn thức ăn và nơi cư trú cho các loại dịch hại khác nhau và thiên địch của chúng.

Dịch hại: Gồm sâu hại, cỏ dại, chuột, ốc bưu vàng, nhện hại, nấm, vi khuẩn, virut, tuyến trùng.

Thiên địch: Là những sinh vật sống lấy dịch hại làm nguồn thức ăn như côn trùng bắt mồi, côn trùng ký sinh, bệnh ký sinh cá, tôm, ếch nhái, chim, giun vá các loại vi sinh vật trong đất.

Những điều nào cần lưu ý hệ sinh thái ruộng lúa?

– Cây lúa thường được canh tác trên diện rộng theo mùa vụ nên các vi sinh vật rất đa dạng.

– Nước hiện diện gần suốt vụ lúa cho nên sinh vật sống trong nước và bên trên mặt nước chiếm ưu thế và rất quan trọng.

– Chu kỳ sinh trưởng cây lúa ngắn, chỉ kéo dài trên dưới ba tháng, nên thế cân bằng giữa các sinh vật chỉ là tạm thời so với sự cân bằng giữa các sinh vật ở hệ sinh thái cây trồng lâu năm.

– Trình độ thâm canh cao như mật độ gieo cấy dầy tạo nên tiểu khí hậu đặc trưng của ruộng lúa, nông dân dể dàng điều khiển mực nước ruộng, áp dụng phân bón, nông dược, giống lúa khác nhau nên hệ sinh thái của từng ruộng lúa cũng sẽ khác nhau.

– Sự cân bằng sinh thái đồng ruộng rất dể bị phá vỡ do nông dân dể dàng áp dụng các loại nông dược để giết hại dịch hại lẫn thiên địch.

– Cần hiểu biết về những nguyên tắc IPM trên ruộng lúa để đảm bảo được mối cân bằng trong hệ sinh thái ruộng lúa.

Xin cho biết tác hại của cỏ dại đối với ruộng lúa như thế nào?

Thất thu hàng năm do các loài dịch hại chiếm khoảng 35% sản lượng mùa màng của thế giới; trong đó thất thu do cỏ dại chiếm 9,5%, khoảng 20,4 tỉ đô la (theo H. H. Cramer, 1967). Theo thống kê của các nước trồng lúa ở Châu Á thì cỏ dại có thể làm giảm đến 50% thiệt hại năng suất nếu không có biện pháp phòng trừ. Trong các nhóm cỏ hiện diện trên ruộng lúa thì nhóm cỏ thuộc họ hoà bản và nhóm cỏ thuộc họ chác lác làm giảm năng suất lúa rõ nét nhất.

Cỏ dại cạnh tranh với cây lúa về ánh sáng, nước và phân bón. Ngoài ra, cỏ dại còn là nơi lưu tồn và lây lan nhiêu loại sâu, bệnh, chuột, và các sinh vật có hại khác. Cỏ dại còn làm giảm chất lượng hạt gạo khi đem xay chà, dẫn đến giảm giá trị xuất khẩu và cũng làm giảm độ thuần khiết của hạt giống cho mùa vụ sau.

Thế nào là cỏ đa niên và cỏ hằng niên?

Có nhiều cách phân loại nhóm cỏ; dựa theo chu kỳ sinh sống, cỏ dại được chia ra làm hai nhóm chính:

– Cỏ hằng niên: Chu kỳ sinh sống dưới một năm, các loài cỏ này có chu kỳ sinh sống ngắn hơn cây lúa như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ mồm, cỏ cháo, cỏ chác, rau mương, cỏ mực, rau trai, rau muống, rau dừa…

– Cỏ đa niên: Chu kỳ sống thường trên một năm, có nhiều cách tồn tại vốn tự nhiên do sinh sản bằng hạt, bằng một đoạn thân, hoặc một đoạn rễ trong đất. Ruộng ít được cày xới, ruộng một năm, canh tác một vụ, hoặc đất hoang thì cỏ đa niên sẽ chiếm ưu thế hơn cỏ hằng niên. Những loài cỏ đa niên thường thấy trên ruộng lúa là cỏ chỉ, cỏ ống, cỏ bắc, cỏ cú, u du rau bợ, bèo tấm, lục bình, rao mác bao…

– Ngoài ra người ta còn chia ra cỏ nhị niên, cỏ hoàn tất chu kỳ sống là 2 năm.

Làm thế nào để phân biệt cỏ đơn tử diệp và cỏ song tử diệp?

Ở thực vật bậc cao, người ta thường chia ra làm hai nhóm: Cỏ một lá mầm (đơn tử diệp) và cỏ hai lá mầm (song tử diệp).

– Cỏ đơn tử diệp: hạt cỏ chứa một tử diệp nên khi nẩy mầm chỉ cho một lá mầm. Khi cây phát triển lá có dạng hẹp, dài, gân lá song song; lá dầy, 2 mặt có cấu trúc như nhau, thường mọc đứng hay hơi xiên. Đỉnh sinh trưởng bọc kín trong bẹ, rễ chùm, phát hoa rất đa dạng. Trên ruộng lúa thường gặp là cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ chác, cỏ lác…

– Cỏ song tử diệp: Hạt cỏ có chứa hai tử diệp nên khi nẩy mầm cho ra hai lá mầm đầu tiên. Khi cây phát triển, lá thường rộng, to, gân lá hình lông chim, mỏng, mềm, cấu trúc hai mặt lá khác nhau. Đỉnh sinh trưởng lộ ra ngoài, rễ cọc mọc ăn sâu vào đất, hoa nhiều cánh rõ rệt, thân thường phân nhánh. Trên ruộng lúa thường gặp là cỏ xà bông, rau mương… và nhiểu loại cỏ trên ruộng lúa cây trồng cạn như cỏ cức lợn, cỏ hôi, dền gai, cỏ trinh nữ, cây chó đẻ, cây trái nổ, cỏ vòi voi…

Những đặc điểm nào quan trọng của cỏ dại trên ruộng lúa cần lưu ý?

– Cỏ có khả năng thích ứng và tồn tại cao: cỏ dại chịu rét tốt hơn cây lúa, cỏ chịu được phèn hoặc mặn cũng tốt hơn cây lúa.

– Cỏ sinh sản nhanh và nhiều hơn cây lúa: Một bông cỏ lồng vực có từ vài trăm đến và ngàn hạt, một cây rau dền qua một vụ có thể cho ra vài triệu hạt. Một hạt cỏ lồng vực sau 3 tháng nẩy chồi có thể cho ra 40-50 cây cỏ lồng vực khác.

– Hạt cỏ dễ phát tán hơn hạt lúa. Hạt cỏ thường nhỏ, nhẹ, có lông tơ nên dễ được nước, gió, côn trùng, gia súc, con người và nông cụ mang đi xa.

– Một số hạt cỏ có miên trạng và cấu trúc vỏ đặc biệt nên chúng tồn tại lâu trong đất trong hệ thống tiêu hoá của súc vật, và ngay cả trong phân ủ.

– Cỏ dại có nhiều cách sinh sản hơn lúa: Cỏ thường sinh sản bằng hạt, tuy nhiên một số loại có thể sinh sản bằng thân hoặc một đoạn rễ (cỏ gà, rau má).

– Hầu hết các loài cỏ trên ruộng lúa đều mọc rất mạnh khi thiếu nước. Do đó, giữ mực nước ruộng hợp lý theo chu kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa sẽ hạn chế được sự phát triển của cỏ dại.

Thuốc trừ cỏ xâm nhập vào cỏ dại bằng cách nào?

Có hai cách phổ biến để thuốc trừ cỏ có thể xâm nhập vào bên trong cây cỏ:

– Qua lá và chồi non: Hầu hết các loại thuốc trừ cỏ đều có thể tiếp xúc và thấm qua các bộ phận non bên trên cây cỏ như là lá non, chồi non, bao lá mầm, lóng thân…

– Qua rễ: Hầu hết các loại thuốc cỏ lưu dẫn đều có thể xâm nhập qua hệ thống rễ của cây cỏ như rễ chính, rễ phụ và đặc biệt là nơi vùng lông hút. Thuốc sẽ di chuyển đến các nơi khác để gây độc.

Tại sao phải chia ra làm hai nhóm thuốc tiền nẩy mầm và hậu nẩy mầm?

Dựa vào thời gian tác động của các hoạt chất thuốc trừ cỏ lên giai đoạn phát triển của cây cỏ mà người ta chia làm hai nhóm thuốc tiền nẩy mầm và hậu nậu nẩy mầm.

– Thuốc tiền nẩy mầm: Thuốc nầy có tác động diệt cỏ trước khi hạt cỏ nẩy mầm, hoặc khi hạt cỏ vừa nhú mầm. Thuốc tiền nẩy mầm cần được sử dụng sớm trước khi gieo sa,û hoặc ngay khi cỏ vừa mọc mầm, tức 1-4 ngày sau khi sạ (Meco 60 ND, Sofit 300 ND).

– Thuốc hậu nẩy mầm: Thuốc nầy có tác động diệt cỏ sau khi cây cỏ đã mọc từ 1,5 đến 5 lá, tương đương với 10-21 ngày sau khi gieo sạ của cây lúa (Sindax 10 WP, Whip’S 7,5 EW)

Ngoài ra còn có một số loại thuốc cỏ hậu nẩy mầm sớm; thường được áp dụng từ 4-10 ngày sau khi gieo sạ lúa (Saviour 10 WP).

Cơ chế tác động của thuốc trừ cỏ ra sao?

Thuốc trừ cỏ thường tác động đến các khả năng chủ yếu của cây cỏ như quá trình hô hấp, quang hợp, quá trình biến dưỡng tạo các chất cơ bản như glucid, lipid và protid hoặc làm biến đổi các phản ứng sinh lý sinh hóa trong cây cỏ. Sau đây là một vài cơ chế thường gặp:

– Thuốc trừ cỏ có tác động như là một chất kích thích tố sinh trưởng, chúng làm cho tế bào phát triển quá mức bình thường, đồng thời gây rối loạn sinh trưởng. Đại diện cho nhóm Phenoxy-acetic acid là 2,4-D.

– Ức chế quá trình quang hợp, phá hủy cấu trúc của tế bào diệp lục. Đại diện cho nhóm Oxadiazon là Ronstar 25 EC.

– Ngăn trở sự hình thành các acid amin: Một số loại thuốc trừ cỏ ngăn cản đến sự hình thành các acid amin không thay thế được, thiếu những chất nầy cây cỏ sẽ chết dần. Đại diện cho hoạt chất Pyrazosulfuron là sirius 10 WP, Star 10 WP…

– Ngăn trở sự hình thành chất béo: Một số loại thuốc trừ cỏ có khả năng ức chế sự hình thành của các lipid, thiếu những chất nầy cây cỏ cũng sẽ chết dần. Đại diện cho hoạt chất Butachlor là Butoxim 60 EC, Meco 60 EC, Echo 60 EC, Butan 60 EC và Phenoxapprop-P-ethyl là Whip’S 7,5 EWP

Xin cho biết thế nào là phổ tác dụng của thuốc trừ cỏ?

Phổ tác dụng của thuốc trừ cỏ là số lượng loài cỏ ma thuốc cỏ có thể tiêu diệt được, có thể biểu hiện bằng nhóm cỏ (họ hòa bản, họ chác lác và lá rộng).

– Thuốc trừ cỏ phổ hẹp: Thuốc chỉ gây hại cho một số loài cỏ hoặc và nhóm cỏ. Thí dụ 2,4-D trừ được cỏ lá rộng và cỏ họ chác lác, Sofit 300 ND trừ được nhóm cỏ họ hòa bản và cỏ họ chác lác.

– Thuốc trừ cỏ phổ rộng: Thuốc gây hại cả ba nhóm cỏ chính trên ruộng lúa như: Butanil 55 EC, trừ được cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ chác, cỏ lác, cỏ mồm, rau mác bao, cỏ xà bông, rau mương…

Xin cho biết những dạng thuốc trừ cỏ thường gặp trên thị trường hiện nay?

– Dạng bột hòa tan (BHN, WP): Londax 10 WP, chứa 10% hoạt chất là Bensulfuron methyl.

– Dạng nhũ dầu (DD, EC): Meco 60 ND, chứa 60% hoạt chất là Butachlor.

– Dạng dung dịch tan trong nước (DD, L, SL): Anco 720 DD, chứa 70% hoạt chất là 2,4 – D

– Dung dịch tan trong nước đậm đặc (WSC): Spark 16 WSC chứa 16% hoạt chất là Glyphosate.

– Thể sữa trong nước (EW): Whip’S 7,5 EW chứa 7,5 % hoạt chất là Fenoxaprop-P-ethyl.

Cỏ dại có phân bố theo điều kiện sinh thái đồng ruộng không?

Cỏ dại có khả năng thích ứng cao với điều kiện sinh thái đặc biệt của đồng ruộng. Tùy theo những điều kiện chủ đạo của môi trường mà cỏ dại phân bố một cách tương đối như sau:

– Cỏ chịu hạn: Cỏ có những cấu trúc đặc biệt như lá nhỏ, thân và rễ mọc ngấm trong đất nên có thể chịu hạn rất cao, có thể sống sót qua nhiều năm, khi gặp điều kiện thuận hợp sẽ mọc trở lại. Cỏ tranh, cỏ cú trên vườn cây ăn trái.

– Cỏ đồng cạn: Một số loại cỏ chỉ mọc tốt ở điều kiện đất thoáng khí, ẩm độ vừa phải, không ngập nước như cỏ lồng vực cạn, rau dền, rau đắng, rau trai, cỏ cứt lợn, cỏ hôi… trên ruộng mía, ruộng đậu, ruộng rau màu…

– Cỏ ngập nước: Những loài cỏ này thích sống ở đất có đủ Oxy, nhưng phải có nước vừa đủ cho chúng phát triển như ở ruộng lúa nước: Cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ mật, cỏ mồm, cỏ bắc, cỏ chác, cỏ lác mỡ, rau mác bao, rau mương, cỏ xà bông.

– Cỏ ngập sâu: Ở những vùng trủng như cỏ lục bình, rau dừa nước, cây bông súng, bèo cái, bèo tấm, rong xanh, rau bợ, cỏ đồng tiền…

– Cỏ chịu phèn: Tại vùng ĐBSCL có một số loài cỏ đặc trưngở những vùng đất có pH thấp, độ phèn vừa phải như: U du thưa, cú ma, lác, năng…

Xin cho biết áp dụng của thuốc trừ cỏ thế nào cho đúng lúc?

Thường dựa theo giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, tính bằng ngày sau khi sạ hoặc cấy; đôi khi tính bằng số là cỏ đã mọc. Tại vùng ĐBSCL do ít có sự chênh lệch về nhiệt độ giữa các mùa nên ta có thể dựa vào thời gian sau khi gieo trồng để áp dụng thuốc trừ cỏ.

– Thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm: Nên áp dụng trước hoặc từ 1-4 ngày sau khi sạ; lúc nầy hạt cỏ đang hút nước mạnh, chuẩn bị mọc mầm nên thuốc cỏ sẽ phát huy tác dụng nhanh. Có thể áp dụng Meco 60 ND, Butoxim 60 EC, Sofit 300 EC, Rifit 500 EC hoặc Ronstar 25 EC, với liều lượng theo khuyến cáo.

– Thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm sớm: Nên áp dụng từ 3-10 ngày sau khi sạ với các loại thuốc như Savior 10 WP, Whip’S 7,5 EW, Ricozin 30 EC, Nominee 10 SC, Century 6,85 G, Butanil 55 EC, Cantanil 550 EC, Vitamil 60 ND, Rafele 350 EC, Sunrice 15 WDG… tùy theo bà con chọn lựa, nên áp dụng với liều lượng theo khuyến cáo.

– Thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm: Tùy theo cụ thể từng loại thuốc mà áp dụng, Sindax 10 WP phun 10-20 ngày sau khi sạ, hoặc 5-20 ngày sau khi cấy; Anco 720 ND, AK 720 DD… phun 10 ngày sau khi cấy hoặc 20 ngày sau khi sạ; Clincher 10 EC phun 7-18 ngày sau khi sạ; Ally 20 DF hoặc Almix 20 DF ở 20-30 ngày sau khi sạ… Sử dụng trể sẽ kém hiệu quả.

Lưu ý: nên tránh phun thuốc vào lúc nắng gắt, không phun chồng lối và nên thay đổi chủng loại thường xuyên.

Xin cho biết tác động và cách gây hại của thuốc trừ sâu vi sinh đối với côn trùng?

Có rất nhiều loại thuốc trừ sâu vi sinh để phòng trừ côn trùng, mỗi loại thuốc đều có cách tác động khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có một số loại thuốc trừ sâu vi sinh để diệt trừ sâu non bộ bướm là phổ biến nhất hiện nay. Hoạt chất của nhóm này là vi khuẩn Bacillus thuringiensis gây hại ở đường ruột các loại sâu non. Đây là thuốc vị độc, chứa các tinh thể độc là các protein chiết suất từ vi khuẩn trên. Khi chất độc vào đến đoạn ruột giữa của sâu non, chúng sẽ tác động lên tế bào niêm mạc ở thành ruột, làm cho thành ruột bị phá vỡ, chất độc sẽ tràn ngập vào xoang máu của sâu non gây ngộ độc toàn diện. Khi bị trúng độc, sâu non sẽ biến ăn, ngừng hoạt động, cơ thể lờ đờ chậm chạp, da biến màu nâu đen, cơ thể khi bị vỡ ra sẽ có mùi rất hôi thối

Nhóm thuốc này dùng để các loại sâu non ăn lá rau màu, các loại đậu, bầu bí dưa rất an toàn cho người tiêu dùng. Một số tên thuốc thường gặp ở thị trường Việt Nam là Xentari 35WDG, Aztron 7000DBMU, Bacterin B.T WP, Biobit 16K WP, Biocin 16WP, BTB 16BTN, Delfin 32BIU, MVP 10FS, Kuang Hwa Bao 16000IU WP, .. .

Xin cho biết thuốc trừ cỏ có gây độc cho người và gia súc không?

Thuốc trừ cỏ cũng là một loại chất độc được sử dụng trong nông nghiệp nên chúng có tính độc như thuốc trừ sâu, trừ bệnh cây… Tùy theo mỗi loại hoạt chất mà chúng có mức độ gây độc khác nhau. Cần xem kỹ biểu tượng hoặc băng màu trên nhãn thuốc trừ cỏ để biết độ độc:

– Anco 720 ND, CO-2,4D 720 ND, AK 720 DD, Gramaxon 20 SL thuộc nhóm độc I, cực độc.

– Dual 720 ND, Gesapax 500 DD… thuộc nhóm III, khá nguy hiểm.

– Butanil 55 EC, Meco 60 EC, Vibuta 62 ND, Butoxim 60 EC, Butan 60 EC, Michelle 62 ND, Saviour 10 WP, Sindax 10 WP, Sofit 300 ND, Glyphosan 480 DD, Shoot 41 AS, Spark 16 WSC, Dream 480 SC… thuộc nhóm IV, cần cần thận.

Nhìn chung, hầu hết các loại thuốc trừ cỏ hiện nay đều rơi vào nhóm độc III và IV nên tương đối an toàn đối với người và gia súc, nhưng chúng sẽ rất độc đối với cây trồng nếu chúng ta sử dụng quá liều, điều kiện áp dụng không đúng cách hoặc không đúng đối tượng thì thuốc trừ cỏ sẽ gây ngộ độc cho cây trồng rất lớn

Các biện pháp nào làm giảm việc ngộ độc do dư lượng thuốc trừ sâu trên rau cải?

Hạn chế sử dụng hóa chất trừ sâu; tuyệt đối không dùng các thuốc trừ sâu độc tính cao, thuốc đã bị cấm.

a) Ngưng phun thuốc trước thu họach đúng quy định (trung bình khoảng 1-2 tuần)

b) Ngâm rau dưới vòi nước vài tiếng đồng hồ, rửa sạch rau với nước muối trước khi ăn.

c) Nấu chín thức ăn, vì phần lớn các loại thuốc và dư lượng sẽ bị phân hủy do nhiệt.

Triển khai chương trình rau sạch, bảo đảm các loại rau, trái cây sạch thuốc trừ sâu và các mầm bệnh.

Ô nhiễm môi trường do nông dược ra sao? Biện pháp nào để ngăn chặn ô nhiễm?

Ở các nưóc phát triển, xu hướng sử dụng các chất nông hóa đang giảm và được thay thế bằng các biện pháp sinh học. Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, phần lớn thuộc vùng nhiệt đới, hóa chất trừ sâu vẫn tiếp tục tăng. Chỉ có 30% lượng thuốc trừ sâu được cây hấp thụ, phần còn lại thì hòa tan vào môi trường làm ô nhiễm đất, nước, và sinh vật.

Biện pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường là quản lý chặt chẽ thị trường thuốc BVTV ( cấm hoặc hạn chế thuốc hay các hoạt chất có độc tính cao ); giáo dục cho nông dân khắc phục tình trạng lạm dụng thuốc, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cần thiết để nông dân sử dụng hợp lý và an toàn hóa chất trừ sâu, không dùng các loại thuốc độc tính cao và lưu tồn lâu trong môi trường. Khuyến cáo cũng như hướng dẫn kỹ thuật cho nông nhân áp dụng biện pháp IPM.

Xin cho biết cách phân nhóm cỏ theo chu kỳ sống?

Dựa vào chu kỳ sống người ta chia cỏ dại thành ba nhóm:

– Nhóm cỏ hằng niên: cỏ kết thúc chu kỳ sống trong vòng một năm.

– Nhóm cỏ nhị niên: cỏ kết thúc chu kỳ sống trong vòng hai năm; năm đầu sinh trưởng dinh dưỡng, năm sau sinh trưởng sinh dục.

– Nhóm cỏ đa niên: cỏ có chu kỳ sống trên hai năm; chúng sinh sản bằng hạt và cả bằng đoạn thân , rễ củ, thân ngầm…

.Thường chúng ra hoa đầu tiên vào năm thứ hai, sau đó ra hoa hàng năm.

Tại sao không nên phối hợp thuốc trừ sâu nhóm lân hữu cơ với nhóm thuốc trừ cỏ Propanil ?

Thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Propanil là thuốc có tính tiếp xúc, chọn lọc cao dùng để trừ các loại cỏ hoà bản như cỏ lòng vực mà không gây ảnh hưởng gì đến cây lúa. Cây lúa có chứa chất men aryl acylamidase dùng để phân giải chất Propanil thành những chất không độc cho cây lúa mà ở cây cỏ không có được. Thuốc trừ sâu gốc lân hữu cơ có khả năng ngăn trở hoạt động của chất men này có trong cây lúa. Do đó, không nên phối hợp chung thuốc trừ sâu gốc lân với thuốc cỏ này.

Formalin có sử dụng cho cây trồng được không?

Formalin (Formol) còn có tên là Metanal, là chất diệt nấm và khuẩn. Chất này dùng để diệt các loại vi sinh vật có trong đất gây hại cho hạt giống. Formalin là dung dịch chứa 35-50% formaldehit, có thêm metanol để tạo tính ổn định. Vì chất này có tính xông hơi mạnh nên chỉ dùng để xông hơi cho đất trước khi gieo hạt. Việc sử dụng chất này đòi hỏi máy tim vào đất, phài phủ kín mặt đất bằng nylon để giữ hơi độc mới có thể diệt được mầm bệnh trong đất. Formalin rất độc vói người và gia súc nên khi sử dụng phải rất cẩn trọng.

Fosetyl- Al là chất gì?

Fosetyl- Al là chất Fosetyl nhôm, tên thương mãi là Aliette 80WP, là thuốc diệt nấm nội hấp, lưu dẫn được hai chiều lên xuống trong cây. Aliette 80WP dùng để phòng ngừa và trị các loại nấm ” Oomycetes” như Phytopthora sp. gây xì mũ gốc cây Chanh, Cam quít, Bưởi, Sầu riêng, Cao su… . Pha 25-30 g/10 lít nước, phết vào vết thương hoặc đổ vào gốc

Strychnine là chất gì?

Strychnine là một alcaloit trích từ hạt của trái mã tiền (Nux vomica), rất độc với động vật có xương sống. Thuốc dùng để đánh bẩy chuột, thỏ, các loài gậm nhấm khác với liều 0.5-1% strychnine sulfat. Thuốc cực độc, nhóm I, nên nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng.

Xin cho biết các số và chử viết tắt đi theo sau các tên thuốc bảo vệ thực vật, ý nghĩa của những vạch màu ở phía dưới bao bì nông dược?

Một chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật gồm có 2 phần: họat chất là các chất gây độc và các chất phụ gia kèm theo

Các số đi theo sau tên thuốc như Basudin 10 H thì 10 có nghĩa là trong bịch thuốc có chứa 10% họat chất là diazinon, chữ tắt H có nghĩa là dạng thuốc hạt. Các chữ tắt thường được viết từ chữ đầu tiên của dạng thuốc bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh

* H, G: dạng thuốc hạt.

* BR, D: dạng bột rắc.

* BHN, BTN, WP, WPD, W: dạng bột hòa nước, bột thấm nước.

* DF: bột hòa nước không bốc bụi.

* ND, EC: dạng như dầu.

* DD, L, SL, FL, SC: dạng dung dịch hòa tan trong nước.

Các băng màu trên nhản bao bì dùng để cảnh báo tính độc của nông dược

Băng màu đỏ: rất độc, nhóm I.

Băng màu vàng: độc cao, nhóm II.

Băng màu xanh nước biển: nguy hiểm, nhóm III.

Băng màu xanh lá cây: Cẩn thận, khá độc, nhóm IV.

Làm sao phân biệt thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm và hậu nẩy mầm?

Cần đọc kỹ hướng dẫn cách áp dụng trên nhản. Thông thường thuốc trừ cỏ được chia làm hai nhóm lớn theo thời gian áp dụng.

Thuốc trừ cỏ tiền nẩy mầm: Chỉ được áp dụng khi hạt cỏ chưa nẩy mầm hoặc đang nẩy mầm, với số lá dưới một lá rưỡi; tức là trước khi gieo sạ không quá 3 ngày. Những loại thuốc tiền nẩy mầm thường gặp là: Meco 60 ND, Sofit 300 ND…

Thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm: Thường được áp dụng khi hạt cỏ có trên 3 lá. Tùy theo loại thuốc trừ cỏ mà có thể áp dụng vào từng thời điểm khác nhau, nhưng không được vượt quá 20 ngày sau khi gieo; vì lúc này cây cỏ quá lớn, thuốc trừ cỏ sẽ kém hiệu quả. Các loại thuốc trừ cỏ hậu nẩy mầm thường gặp như: Savior 10 WP, Whip’ S 7.5 EC, Butanil 55 EC, Sindax 10 WP, Anco 720 ND, Onecide 15 ND…

Bằng cách nào thuốc bảo vệ thực vật xâm nhập vào cơ thể sâu hại?

Thuốc bảo vệ thực vật có thể xâm nhập vào cơ thể côn trùng bằng ba con đường chính:

Qua miệng: Thuốc vào cơ thể côn trùng cùng với nguồn thức ăn qua đường miệng. Những loại thuốc tác động qua đường miệng gọi là thuốc vị độc.

Qua da: Thuốc vào cơ thể côn trùng qua lớp da, các chổ khớp nối của cơ thể côn trùng hoặc qua lớp da bàn chân. Những loại thuốc tác động qua da gọi là thuốc tiếp xúc.

Qua đường hô hấp: Thuốc vào cơ thể qua lổ thở ở hai bên ngực và hai bên hông của bụng côn trùng. Những loại thuốc tác động qua đường hô hấp goiü là thuốc xông hơi.

Ngoài những đặc tính trên, thuốc bảo bệ thực vật có thể thẩm thấu qua vách tế bào của lá, thân hoặc rễ cây để vào bên trong mạch nhựa. Những loại thuốc này gọi là thuốc nội hấp hay lưu dẫn.

Làm sao để biết thuốc bảo vệ thực vật đang bị cấm sử dụng trên thị trường?

Những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng hay không đều do nhà nước qui định, cụ thể là Cục Bảo Vệ Thực Vật quản lý. Những loại thuốc nào có tên trong danh mục: “Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam” đều không được bày bán trên thị trường hoặc sử dụng trên đồng ruộng. Cần nên lưu ý một số nhản thuốc độc hại phổ biến đã bị cấm sử dụng hiện nay:

– Thuốc trừ sâu: Aldrin, Eldrin, Dieldrin, BHC, Lindane, Stroban, Sevidol, DDT, Methyl parathion, Polychlorocamphene, Methamidophos, Phosphamidon, Monocrotophos…

– Thuốc trừ bệnh: Captan, Captaphol, Arsenic compound, Mercury compound, Selenium compound…

– Thuốc trừ chuột: Talium compound.

– Thuốc trừ cỏ: 2.4.5 T.

Có mầy nhóm thuốc trừ sâu thường gặp? Cho biết một vài tính chất gây độc?

Căn cứ theo nguồn gốc hóa học của thuốc trừ sâu, người ta chia ra làm các nhóm như sau:

Thuốc trừ sâu Clo hữu cơ: Trong công thức hóa học của thuốc có chứa nguyên tố Clo và C, H, O,… Thuốc này thường gây độc mãn tính, thuốc lưu tồn lâu trong môi trường, gây tích lũy sinh học mạnh và dễ dàng gây hiện tượng ung thư. Thuốc thuộc thế hệ rất xưa, hầu hết đã bị cấm sử dụng.

Thuốc trừ sâu Lân hữu cơ: Dẫn xuất từ acid phosphoric, trong công thức có chứa nguyên tố phospho và C, H, O, .. ., tác động thần kinh, gây hiện tượng ngộ độc cấp tính rất mạnh mẽ, dễ dàng gây tử vong khi nhiễm thuốc với một liều lượng nhỏ. Diệt sâu hại và thiên địch rất mạnh

Thuốc trừ sâu Carbamat: dẫn xuất từ acidcarbamic trong công thức có chứa N, C, H, O…, tác động thần kinh. Thuốc thuộc nhóm này cũng gây độc cấp tính nhưng ít độc với thiên địch hơn, diệt trừ sâu hại có tính chuyên biệt.

Thuốc trừ sâu nhóm Cúc tổng hợp: Dẫn xuất từ nguồn gốc thực vật của cây họ Cúc, trong công thức có chứa chất Pyrethrin gây độc cho côn trùng. Thuốc này ít gây độc cấp tính, phân hủy nhanh trong môi trường, dễ chịu tác động của ánh sáng và nhiệt độ. Tuy nhiên, nếu áp dụng lâu và liên tục trên đồng ruộng dễ gây tính kháng của côn trùng.

Làm thế nào đảm bảo tính an toàn khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật?

Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được an toàn, tránh được ngộ độc cho người sử dụng cần phải lưu ý một số điểm như sau:

Chỉ mua những loại thuốc với bao bì đóng gói còn nguyên vẹn, chưa quá hạn sử dụng, có đầy đủ số đăng ký kinh doanh và đăng ký chất lượng ghi trên nhãn.

Đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng ghi trên nhãn; cần lưu ý đối tượng phòng trị như sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột, .. . và trên từng loại cây trồng nào? Điều cần lưu ý rất quan trọng là nồng độ áp dụng, tức là lượng thuốc cần pha loãng trước khi phun hoặc liều lượng áp dụng, tức là lượng thuốc cần rãi, phun đều trên đơn vị diện tích.

Cần chuẩn bị các dụng cụ cân đong (bao tay, .. . ) không nhắm chừng cảm tính khi pha thuốc.

Nên mặt quần áo dài, đội nón, đeo kính, che mắt, khẩu trang che mũi và miệng để tránh thuốc xâm nhập vào cơ thể.

Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát, nên đi trên gió hoặc ngang chiều gió khi phun thuốc.

Thuốc còn thừa, không đổ xuống ao hồ, gần nguồn nước sinh hoạt. Chai lọ sử dụng xong phải tiêu hủy. Nên bảo quản thuốc nơi mát mẽ xa trẻ em.

Khi thuốc dính vào mắt, tay, chân, da, .. . cần rữa ngay bằng nước sạch. Nếu có chịu chứng ngộ độc, cần nghĩ ngơi, chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất, cần mang theo nhãn thuốc đã sử dụng.

Các loại thuốc trừ bệnh cây dường như không có ghi thời gian cách ly.Vậy xin hỏi nếu phun trên rau cải thì nên để thời gian cách ly Bao lâu là được an toàn?

Thời gian cách ly cho thuốc trừ bệnh cũng tùy thuộc vào từng loại thuốc. Tuy nhiên, chúng ta giữ thời gian cách ly là 15 ngày thì an toàn hơn cả. Tuy nhiên do rau cải có thời gian sinh trưởng ngắn nên đối với thuốc trừ bịnh cây, nếu cách ly trước khi thu hoạch 7-10 ngày cũng có thể chấp nhận được.

Một sản phẩm nông dược muốn được bày bán trên thị trường phải thỏa mãn những điều kiện gì?

Sản phẫm này phải có tính độc cao đối với sinh vật gây hại

An toàn đối với cây trồng , hạt giống, không ảnh hưởng đến phẫm chất nông sản

An toàn đối với người sử dụng, vật nuôi, không tích lũy trong cơ thể sinh vật, không gây ung thư quái thai hoặc các bệnh nhiễm nghèo khác

Thuốc phải có tính chọn lọc cao, ít độc với thiên địch

Thuốc phải được phân giải nhanh, không gây ô nhiễm môi trường sống

Thuốc phải được sử dụng dễ dàng, dễ bảo quản và chuyên chở

Thuốc không quá đắt tiền, phải đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thuốc phải được hội đồìng khoa học nhà nước chấp nhận và phải có giấy phép của cơ quan chức năng quản lý.

Xin cho biết cách chia nhóm thuốc bảo vệ thực vật?

Người ta dựa trên nhiều tiêu chuẩn để chia nhóm thuốc. Thông thường thuốc được chia thành các nhóm như sau:

Thuốc có nguồn gốc thực vật: Trong các bộ phận của thực vật có chứa một số chất có thể diệt được côn trùng như hợp chất alcaloid, nicotin, albazin, pyrethrin, rotenon…

Thuốc vô cơ: Các hợp chất chứa đồng, lưu hùynh, thủy ngân, asenit…

Thuốc tổng hợp hữu cơ: Gồm các hợp chất thuộc các nhóm clo hữu cơ, lân hữu cơ, cácbamát hữu cơ, cúc tổng hợp.

Thuốc có nguồn gốc sinh học: Các hóc môn chống lột xác, chất dẫn dụ sinh dục, các thuốc kháng sinh.

Nghe nói thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới rất an tòan cho môi trường. Xin cho biết những loại nào đang có bán trên thị trường ?

Đây là những hợp chất được chiết suất từ cơ thể sâu hại hoặc là những chất được chế biến từ những vi sinh vật gây hại cho chúng. Thuốc trừ sâu sinh học có khả năng làm thay đổi quá trình phát triển sinh học bình thường của sâu hại theo chiều hướng bất lợi đối với quần thể côn trùng. Các hợp chất đã được nghiên cứu thành công và được bày bán trên thị trường là: Các hóc môn gây cản trở quá trình phát triển biến thái ở côn trùng, chất dẫn dụ sinh dục, các vi khuẩn phá hoại hoặc đường ruột của sâu non .

* Hóc môn chống lột xác: các chất này tác động lên côn trùng ở một thời điểm nhất định trong vòng đời của chúng ngăn cản sự tổng hợp chất tạo vỏ bọc của sâu non

– Trebon 10EC, Applaud 40SC, Butyl 10WPl dùng để trừ các loài rầy nâu, rầy xanh, rầylưng trắng, rầy chổng cánh.

– Nomolt 5SC Atabron 5EC dùng để trừ sâu tơ, sâu xanh ăn lá, sâu xanh da láng, sâu hồng, sâu ăn tạp… trên rau màu và các loại cây trồng cạn.

– Match 50ND trị sâu tơ, sâu xanh, ruồi trắng, nhện… trên rau màu, cây ăn trái, cây công nghiệp …

* Chất dẫn dụ sinh dục : Các chất này rất chuyên biệt, có tác dụng hấp dẫn các cá thể khác giới tính trong cùng lòai.

Hợp chất Toba, Ruvacon, Vizubon D là những chất trích từ tuyến sinh dục cái của con ruồi đục trái cây để hấp dẫn con đực vào bẫy .

* Thuốc trừ sâu vi sinh BT: Các lọai thuốc này được trích từ độc tố của vi khuẩn Bacillus thuringiensis gây hư hỏng hệ thống ruột ở các lọai sâu non. Các lọai thuốc dễ mua trên thị trường là BT, MVP, Biotrol, Forwabit, Aztron, Thuricide, Biobit, Bacterin…

Thế nào là a.i.? thế nào là chất phụ gia?

Trong thành phần của một sản phẫm nông dược có hai phần chính là hoạt chất và chất phụ gia. Chữ a.i. là chữ viết tắt của tiếng anh “active ingredient”, có nghĩa là hoạt chất. Họat chất là chất gây độc có trong sản phẫm, tạo nên tính chất và công dụng của sản phẫm đó. Chất phụ gia là những chất không mang tính độc, được thêm vào sản phẫm của thuốc để tăng tính bám dính, tính trãi, tính thấm ướt, tính chống kết tủa, tính lắng tụ, tạo huyền phù hoặc nhũ tương hóa… . Chất phụ gia giúp cho việc xử dụng được dễ dàng và tăng hiệu quả của thuốc.

Tại sao tên hoạt chất có lúc được viết rất gọn, có lúc lại viết rất dài và phức tạp

Tên hoạt chất thường được biểu hiện bằng tên chung hoặc tên hóa học. Tên chung được viết đơn giản hóa, dể đọc và mang tính quốc tế. Thí dụ hoạt chất thuốc trừ bệnh cây Viben có tên chung là Benomyl.

Tên hóa học là tên các thành phần hóa học cấu tạo nên hoạt chất đó, được viết theo danh pháp quốc tế cho nên rất dài và phức tạp. Hoạt chất của Viben có tên hóa học là Metyl 1-(butylcarbamoyl) benzimidazol -2-yl carbamate.

Tại sao phải pha loảng thuốc bảo vệ thực vật với nước trước khi phun?

Theo cách áp dụng, thuốc bảo vệ thực vật được chia thành hai nhóm chính: Cần pha loãng và không cần pha loãng trước khi phun. Thuốc dạng lõng hoặc dạng bột thường được vô chai, đóng gói cô đặc nên khi phun cânö phải pha lõang với dung môi là nước. Thuốc dạng hạt hoặc dạng cốm thường được chế biến cho tiện xử dụng nên chỉ cần rãi hoặc rắc theo hàng trực tiếp trên đồng ruộng.

Tại sao thuốc trừ bệnh cây chứa đồng lại trừ được một số loại nấm, vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng?

Rất xưa, các nhà khoa học vô tình lấy nước nấu sôi trong nồi đồng, để nguội tưới lên cây lúa mì, lúa mạch thì trị được bệnh than đen. Các nhà khoa học Pháp phát minh khi dùng dung dịch đồng phối hợp với nước vôi có thể trị được bệnh sương mai trên nho. Chất đồng có thể phá hủy lớp màng tế bào, xuyên thấu vào tế bào chất gây kết tủa các chất trong tế bào và tạo nên hiện tượng teo nguyên sinh, làm đình trệ sự sinh trưởng và phát triển của tế bào.

Xin cho biết ý nghĩa của PHI và MRL?

PHI là chữ tắt của tiếng Anh PreHarvest Interval, là thời gian cách ly an toàn trước khi thu họach. Thời gian này lâu hay mau tùy thuộc vào hướng dẫn trên nhãn thuốc. MRL là chữ tắt của tiếng Anh Maximum Residue Limit, là dư lượng tối đa của chất độc cho phép tồn đọng trong nông sản. Chỉ số này phải theo qui định của từng nước hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế, đơn vị là mg độc chất/Kg trọng lượng nông sản hoặc có những đơn vị nhỏ hơn như ppm, ppb.

Làm sao để tính độ độc của thuốc đối với sinh vật?

Người ta dùng giá trị LD50 để biểu thị tính độc của từng loại thuốc bảo vệ thực vật, được dùng để so sánh độ độc giữa những loại thuốc với nhau. LD50 là liều gây chết 50% cá thể dùng trong thí nghiệm, thường là chuột. LD50 có thể được thí nghiệm qua miệng hoặc qua da. Đơn vị là mg hoạt chất/kg trong lượng vật đem thí nghiệm , giá trị này càng nhỏ thì độ độc càng cao.

Sử dụng thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật có lợi hại ra sao?

* Có lợi:

Diệt dịch hại nhanh, có khả năng chặn đứng được sự tàn phá của sâu bệnh hại.

Cho kết quả rõ rệt, triệt để.

Thường nâng cao năng suất, phẫm chất nông sản một cách đáng kể.

* Có hại:

Dễ gây độc cho người áp dụng thuốc.

Để lại dư lượng trong nông sản.

Gây ô nhiễm môi trường sống.

Lưu tồn lâu trong đất, nước, sinh vật.

Gây nên hiện tượng kháng thuốc.

Xin cho biết những biện pháp phổ biến trong bảo vệ thưc vật?

Có nhiều biện pháp phổ biến, gọi chung là biện pháp tổng hợp.

Biện pháp canh tác: Bằng cách làm đất, chọn giống, bón phân cân đối, tưới tiêu hợp lý và đầy đủ.

Biện pháp cơ học như bắt sâu bằng tay, nhổ cỏ…

Biện pháp lý học: Cày ải, phơi đất, đốt đồng, đặt bẩy đèn, bẩy màu, bẩy âm thanh

Biện pháp hóa học: là giải pháp sau cùng dùng các hóa chất để phòng trừ dịch hại.

Biện pháp kiễm dịch thực vật: Nhà nước ban hành các các qui định, các luật lệ nhằm kiểm soát và hạn chế khả năng lây lan của dịch hại từ vùng này sang vùng khác, hoặc từ nước này sang nươc khác.

Dịch hại gây thiệt hại ra sao trong lãnh vực nông nghiệp?

Dịch hại là những loài sinh vật và vi sinh vật gây hại cho cây trồng và nông sản, chúng có khả năng làm thất thu năng suất hoặc làm giãm phẫm chất nông sản. Các loại dịch hại thường thấy là sâu hại, bệnh hại, cỏ dại, chuột, nhện đỏ, tuyến trùng… . Qua thống kê cho thấy thiệt hại do sâu chiếm 13,8%, do bệnh 11,6%, do cỏ dại 9,5% và phần còn lại do các nguyên nhân khác.

Xin cho biết các biện pháp kiểm soát cỏ dại?

Kiểm soát cỏ dại không bao hàm ý nghĩa tiêu diệt chúng, mục đích chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng phát triển vì lợi ích của con người trong một vùng vào một thời điểm cụ thể. Ngày nay khái niệm kiểm soát cỏ dại dần dần được thay thế bởi khái niệm quản lý cỏ tổng hợp bao gồm các biện pháp:

Kiểm soát cỏ dại bằng biện pháp trồng trọt: Biện pháp này bao gồm kích thích cây trồng phát triển, nhử cỏ, luân canh, bỏ hóa mùa hè, thời vụ thích hợp

Biện pháp vật lý: Bao gồm làm cỏ bằng tay và dùng cơ giới.

Biện pháp hóa học: Thuốc diệt cỏ là những hóa chất có khả năng giết chết hoặc ức chế sự phát triển của cỏ.

Biện pháp sinh học: Dùng các lòai côn trùng hoặc vi sinh vật có khả năng tiêu diệt được cỏ dại mà không diệt cây trồng.

Vài phương pháp cấp cứu khi bị ngộ độc thuốc BVTV có tính acid?

Cũng như chất kiềm, chất acid như acid sulfuric, acid chlorhydric, acid phenic… làm phỏng da nặng. Các hơi acid rất nguy hiểm, chúng tác động mạnh đến các niêm mạc. Ở nồng độ cao, acid sulfuric gây nôn, khạc ra máu, tác hại nặng đến phế quản và phổi. Khi bị acid chạm lên da, nhanh chóng rửa da bằng nước, sau đó bôi dung dịch natri bicarbonat hoặc bột calci carbonat nguyên chất, rồi băng chỗ da bị tổn thương lại. Nếu ngộ độc qua đường tiêu hóa thì phải cấp tốc rửa dạ dày bằng nước ấm. Nếu có nôn ra máu không được rửa. Sau khi rửa dạ dày, cho uống magie nung, súc miệng bằng dung dịch 0,1% kali permanganat hoặc dung dịch 2% natri bicarbonat.

Phải làm thế nào khi bị ngộ độc thuốc trừ chuột phosphur kẽm?

Cần thiết phải gây nôn. Dùng dung dịch sulfat đồng 0,5 g trong 300 ml nước, cứ 5 – 10 phút cho uống một muỗng canh đến khi nôn ra được. Rửa dạ dày bằng dung dịch thuốc tím ( kali permanganat ) 0,1 – 0,25% hoặc dung dịch sulfat đồng 0,1%. Kiêng dùng các lọai thuốc tẩy dầu, mỡ, sữa.

Xin cho biết phương pháp cấp cứu khi bị ngộ độc thuốc BVTV có tính kiềm?

Các chất kiềm làm cháy da, làm nhiễm vào mắt thì làm hư mắt. Khi chất kiềm chạm vào da cần phải cấp tốc rửa da với bằng nước lã, bôi dung dịch acid acetic loãng 0.1% hoặc giấm ăn, băng chỗ bị phỏng. Nếu chất kiềm vào mắt phải rửa kỹ mắt bằng nước sạch. Nếu nhiễm độc qua đường tiêu hóa, súc miệng bằng dung dịch 0.2 % acid boric và nếu nạn nhân nôn ra máu thì không được rửa dạ dày để khỏi phải nôn mửa nặng thêm. Khi làm việc phải đeo găng tay cao su và mang kính bảo vệ. Sau khi làm việc phải rửa tay bằng dung dịch acid acetic 0.2 % và rửa lại bằng xà phòng.

Làm sao phân biệt côn trùng với các sinh vật khác trên đồng ruộng? Cần lưu ý gì khi áp dụng thuốc phòng trừ các đối tượng này?

Côn trùng là các loài động vật không xương sống, thuộc lớp Insecta. Cơ thể chia làm ba phần rõ ràng: đầu, ngực và bụng. Mỗi đốt ngực mang một cặp chân, đốt ngực trước và ngực giữa mang hai đôi cánh. Cơ thể và các phụ bộ được phân đốt và bao phủ bởi lớp võ kitin. Các loại côn trùng thường gặp như sâu non, bướm, bọ xít, rầy, rệp, ruồi, bọ rầy, cào cào, dế, chuồn chuồn , kiến … . Các loài khác như tuyến trùng, nhện, cua, ốc sên, chuột không có những đặc tính trên nên không phải là côn trùng. Khi mua nên chọn lựa thuốc phòng trừ đúng đối tượng ghi trên nhãn thuốc.

Những nhóm vi sinh vật nào thường gây hại cho cây trồng phổ biến?

Có ba nhóm vi sinh vật chính gây hại cho cây trồng: Nấm, vi khuẩn và vi rút.

Nhóm nấm rất đa dạng, gồm rất nhiều lòai; chúng gây hại trên hầu hết các cây trồng, có phổ ký chủ rất rộng. Ví dụ nấm Fusarium sp. gây thối rễ trên nhiều loại cây ăn trái, rau màu và bệnh lúa von, lem lép hạt lúa.

Nhóm vi khuẩn có phổ ký chủ gây hại hẹp hơn nhóm nấm, nhưng đặc trưng và chuyên tính trên từng loại cây trồng hơn. Ví dụ vi khuẩn Erwinia sp. gây thối nhủng bắp cải, cải bông, cải bẹ xanh, củ hành, củ gừng…

Nhóm ví rút có phổ ký chủ rất hẹp, gây hại rất chuyên tính và rất nghiêm trọng trên một số loại cây trồng nhất định: Ví dụ ví rút gây bệnh lùn xoắn lá lúa, ví rút gây khảm đu đủ, ví rút gây xoăn đọt bầu bí dưa.

Rotenon là chất gì?

Rotenon là chất có trong rễ cây thuốc cá ở Việt nam, thường được bà con nông dân dùng để diệt cá trong mương, hoặc đâm nhuyễn pha với nước để trừ sâu ăn lá. Rễ dây thuốc cá có thể nghiền nhuyễn rồi trộn với chất mang không kiềm tính, hoặc ly trích bằng aceton, benzen, hexan… để sau đó trộn vào nước phun trừ được các loại sâu ăn lá, các loại côn trùng chích hút… . Lưu ý, rễ dây thuốc các nên ngâm trong nước khi chưa sử dụng, chất rotenon dể bị oxy hóa khi để trong không khí. Chất này độc trung bình đối với người và động vật, để phân hủy ngoài nắng sau khi phun khoảng một tuần.

Triệu chứng ngộ độc thuốc trừ chuột?

Nạn nhân có cảm giác lo lắng, hồi hộp, khó thở và ho khan ra máu. Nạn nhân rất mệt vì nôn mửa, tiêu chảy, da xanh nhợt, người lạnh, mạch yếu, cơ co rút và có thế tiểu ra albumin. Trường hợp nặng, nạn nhân có thể chết vì trụy tim mạch và phù phổi.

Tinh dầu sả được dùng như thế nào trong bảo vệ thực vật?

Tinh dầu sả (Citronella) được ly trích từ cây sả có tại Việt nam, dùng để xua đuổi ruồi muỗi và một số côn trùng khác. Phương pháp ly trích bằng hơi nước giống như trích tinh dầu bạc hà nông dân thường làm. Tinh dầu sả cũng được ly trích để làm hương liệu cho đầu gội đầu, xà bông…

Cấp cứu trường hợp ngộ độc thuốc trừ bệnh cây gốc thủy ngân?

Nhiễm độc bằng đường tiêu hóa phải tức khắc rửa dạ dày và gây nôn bằng nước lòng trắng trứng ( 3 – 4 lòng trắng trứng trong 0,5 lít nước ), dung dịch 0,5% tanin hoặc than hoạt tính. Sau đó uống nước albumin ( trứng sống đánh vào nước hay sữa ). Có thể dùng thuốc xổ natri sulfat liều 25g.

Triệu chứng ngộ độc thủy ngân hữu cơ?

Triệu chứng thường gặp khi ngộ độc thủy ngân hữu cơ là tiêu chảy, viêm dạ dày. Nếu nặng có thể gây tai biến ở thận. Ngoài ra, còn bị lở loét ngòai da. Cần chú ý là tác hại lên hệ thần kinh gây nhức đầu, xuất hiện triệu chứng màng não, rối loạn cử động, có albumin trong nưóc tiểu… .Trường hợp nhiễm độc mãn tính đối với những người phải tiếp xúc lâu dài với thủy ngân thì thường bị viêm miệng, hơi thở hôi, lở loét da và run tay. Khi phân tich mẫu tóc sẽ tìm thấy thủy ngân.

Làm thế nào để cấp cứu khi bị ngộ độc thuốc trừ bệnh cây gốc đồng (phèn xanh)?

Phèn xanh ( sulfat đồng) tan trong nước sẽ cho dung dịch có tính axit, khi chất độc này vào đường tiêu hóa thì nhất thiết phải gây nôn mửa và phải rửa dạ dày bằng dung dịch 0,1% thuốc tím ( Kali permanganat ). Kiêng ăn mỡ, sữa và tất cả thức ăn chua. Để chống mệt, cho uống nước trà đặc và cà phê.

Recommended For You

About the Author: dhqt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *