Các biện pháp ngừa cỏ dại kháng thuốc
Sử dụng hoá chất trừ cỏ là biện pháp quan trọng, hiệu quả cao, rẻ tiền, rút ngắn thời gian và giảm công lao động thủ công. Song khi sử dụng hoá chất trừ cỏ, nông dân thường chọn thuốc theo tên thương mại mà không chú ý tới tên hoạt chất của thuốc.
Sử dụng quay vòng các hoá chất trừ cỏ
Theo một điều tra cho biết, có những nông dân đã sử dụng từ 2-3 năm hoặc đa số từ 2-3 vụ liên tục một loại hoá chất trừ cỏ (có thể khác tên gọi nhưng cùng một loại hoá chất). Điều này đã gây ô nhiễm môi trường do tích luỹ một lượng lớn hoá chất không cần thiết, ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người và trở ngại lớn nhất là sự phát sinh ra nhiều loại cỏ dại kháng thuốc.
Để hạn chế tình trạng kháng thuốc của cỏ dại, ngăn ngừa loài cỏ dại kháng thuốc cần áp dụng biện pháp phòng trừ cỏ dại tổng hợp, coi trọng biện pháp quản lý nước, che phủ đồng ruộng, luân canh, chăm sóc cây trồng sinh trưởng lấn át cỏ dại và chú ý thường xuyên áp dụng biện pháp nhổ cỏ bằng tay. Khi sử dụng hoá chất trừ cỏ cần phải sử dụng thuốc đúng kỹ thuật, đúng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và cỏ dại, phun đúng liều lượng, phun xịt thấm ướt đồng đều trên cỏ dại. Nâng cao hiệu quả trừ cỏ của các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, khi phun xịt mặt đất cần phải đủ ẩm nhưng không đọng vũng và không để ngập nước. Luân phiên sử dụng các hoá chất từ cỏ có thành phần hoá học, cấu tạo, cơ chế tác động và gây hại đến cỏ dại khác nhau, sử dụng quay vòng các loại hoá chất trừ cỏ là biện pháp tích cực trong phòng ngừa cỏ dại kháng thuốc.
Chọn và sử dụng thuốc đúng
Có thể phân chia thành 6 nhóm cần chọn và sử dụng thuốc trừ cỏ theo cơ chế tác động và tên hoạt chất như:
– Nhóm có cơ chế tác động đến quá trình phân chia tế bào của cỏ dại: đại diện cho nhóm là các hoạt chất có tên hoá học như: Pretelachlor, Butachlor, Anilofos, Pendimethalin… Các loại chất được sản xuất từ những hoá chất này có tên thương mại tiêu biểu trong nhóm như: Sofit 300EC, Prefit 300EC, Butanil 55EC, Cantanil 55EC, Ricozin 30EM, Accotap 330EC, Vigor 30EC, Mecho 60EC…
– Nhóm có cơ chế tác động đến quá trình tổng hợp đạm trong cây: là nhóm thuốc có các hoạt chất hoá học như Pyrazosulfuron ethyl, Bispyribac-sodium, Pyribenzoxim, Bensulfuron methyl và các loại thuốc tiêu biểu trong nhóm như: Pyankor 33EC, Butan 60EC, Butanix 60EC, Vibuta 32ND, Sirius 100WP, Silk 10WP, Quinix 32WP…
– Nhóm có cơ chế tác động ức chế quá trình tổng hợp lipid trong cây: là nhóm có hoạt chất hoá học chủ yếu như Thiobencaed, Fenoxaprop ethyl, Cyhalofop butyl. Trong nhóm có một số loại thuốc như: Saturn 50EC, Saturn 6H, Clincher 10EC, Whip-S7,5 hoặc 6,9EC, Tiller – S 25EC…
– Nhóm có cơ chế tác động đến sự phân huỷ màng tế bào: các hoá chất thuốc này tác động đến màng tế bào thông qua việc phá huỷ, làm tổn thương, làm giảm tính thấm của màng, kết quả là ức chế quá trình hút khoáng, hút nước làm thất thoát hay rò rỉ một lượng ion đáng kể từ một tế bào ra ngoài môi trường. Nhóm này gồm các loại hoá chất Oxadiazon, Ozadiagyl, Bifennox, Chlomethoxyfen… và các loại thuốc trừ cỏ thông dụng như: Raft 800WP, 800WP, Ronstar 25EC.
– Nhóm ức chế quá trình quang hợp của cỏ: các hóa chất nhóm này chủ yếu kìm hãm hay vô hiệu hoá các enzym tham gia quá trình quang hợp. Các hoá chất thuộc nhóm gồm Propanil, Betazon, Ioxynil, Simetryn… và các loại thuốc trừ cỏ thương mại được sản xuất là Butanil, Cantanil, Vitanil, Propatox…
– Nhóm các chất ảnh hưởng tới quá trình điều hoà sinh trưởng: gồm các hoá chất: 2,4-D, MCPA, Quiclorac, Clomeprop, Triclopyr… và một số thuốc trừ cỏ tiêu biểu như sản xuất từ các loại hoá chất này là 2,4-D 80BTN, 600DD, Anco 720ND, Facet, MCPA…
Theo NNVN